Th.S Nguyễn Thái Hoàng Tâm và nhóm cộng sự ở trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM, vừa hoàn tất đề tài nghiên cứu nói trên. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu chứng minh vai trò phối hợp in vitro giữa các vị thành phần trong việc góp phần tạo nên hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư, và kích thích miễn dịch của bài thuốc tổng hợp Thanh hao miết giáp thang (THMGT). Những kết quả đạt được từ đề tài này sẽ thiết thực góp phần cung cấp thêm các bằng chứng khoa học về tiềm năng điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư của bài thuốc THMGT. Qua đó giúp có thêm một bài thuốc từ thảo dược cho cuộc chiến phòng chống, chữa trị căn bệnh ung thư đang bùng phát hiện nay...
Xu hướng hiện nay trên thế giới là đang dần “hiện đại hóa” lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT), các nhà khoa học đã và đang sử dụng những công cụ khoa học kỹ thuật hiện đại, để làm sáng tỏ những khái niệm và học thuyết của YHCT. Những dược liệu hay những công thức bài thuốc (thang) sử dụng trong YHCT đã và đang được các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt chất hay kiểm tra chất lượng bằng những kỹ thuật hóa phân tích (sắc ký lớp mỏng
- TCL, sắc ký lỏng cao áp
- HPLC, chạy khối phổ
- GC-MS...). Sự “xuất hiện” của sinh học phân tử, và những ứng dụng kỹ thuật sinh học đa kỹ thuật hiện đại đã thiết thực giúp các nhà khoa học nghiên cứu các tác động sinh học như kháng ung thư, chống lão hóa, kháng viêm... trên những mô hình động vật, tế bào, phân tử... qua đó góp phần biết được cơ chế, cách thức tác động của những dược liệu, bài thuốc trước đây chỉ được nghe theo kinh nghiệm điều trị.
Những xu hướng mà thế giới hiện đã và đang tập trung nghiên cứu là nghiên cứu những mối liên quan đến khả năng điều trị hay hỗ trợ điều trị của một số dược liệu, hay bài thuốc YHCT. Nghiên cứu hoạt tính sinh học, cơ chế phân tử, xác định hoạt chất có tác động kháng các bệnh như kháng ký sinh trùng sốt rét, kháng khuẩn, kháng viêm, tác động lên miễn dịch, kháng phân bào lên những dòng tế báo ung thư ở người.
Trong YHCT mục tiêu chữa trị bệnh là điều chỉnh cơ thể đã mắc bệnh, hồi phục sự cân bằng âm –dương, chứ không chỉ loại trừ tác nhân gây bệnh. Theo YHCT thì âm có quan hệ với các mặt của vật chất trong cơ thể như vi sinh vật, chất dịch, chất dinh dưỡng; còn dương có quan hệ với các mặt chức năng, và chức năng của các tạng phủ (hệ thống cơ quan chức năng của cơ thể như tuần hoàn, tiêu hóa....).
Sử dụng thuốc trong YHCT căn cứ vào tính vị (đặc tính) và qui kinh (vị trí tác động của thuốc) và tác dụng theo tính chất bệnh lý của YHCT, chứ không dựa vào hoạt chất cụ thể trong thuốc. Cách phối hợp vị thuốc trong một bài thuốc theo YHCT thường được thiết lập theo “quân-thần-tá-sứ”. Vị thuốc “quân” là vị thuốc có tác động mong muốn chủ chốt của bài thuốc. Vị “thần” sẽ có tác động tăng cường tác động của vị “quân”. Vị “tá” thường có vai trò giảm tác dụng phụ không mong muốn và vị “sứ” thường hỗ trợ đưa những tác động đến đúng vị trí. Có thề nói thực tế đã ghi nhận có không ít những bài thuốc theo YHCT cho thấy hiệu quả tốt, và ít hay không xuất hiện tác dụng phụ trong điều trị hơn so với thuốc tây khi chữa trị cho nhiều bệnh.
“Hiện đại hóa” nền YHCT trong nước cũng là mục tiêu của ngành y tế và các ngành có liên quan đã và đang tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay, cũng như trong thời gian tới.
Trở lại với bài thuốc THMGT mà nhóm nghiên cứu của Th.S Nguyễn Thái Hoàng Tâm thực hiện, theo đó nhóm đã tập trung nghiên cứu, khảo sát 2 nội dung chính là khảo sát vai trò gây độc lên tế bào ung thư MCF-7 và nguyên bào sợi phân lập từ người khỏe mạnh. Và khảo sát vai trò kích thích miễn dịch của các vị thành phần đóng góp cho bài thuốc THMGT (với 5 vị thuốc là Thanh hao; Miết giáp; Đan bì; Tri mẫu; và Sinh địa).
Nhóm nghiên cứu của Th.S Nguyễn Thái Hoàng Tâm đã thu được một số kết quả như sau: tác động gây độc tế bào của bài thuốc THMGT là do hoạt tính gây độc tế bào của 2 vị Tri mẫu và Đan bì. Trong đó Thanh hao và Sinh địa có vai trò hỗ trợ tăng cường hoạt tính gây độc tế bào. Bài thuốc THMGT thể hiện tác động gây độc chọn lọc trên tế bào ung thư MCF-7 mạnh gấp 4, 5 lần so với trên nguyên bào sợi được phân lập từ người khỏe mạnh. Với vị Sinh địa thì ghi nhận là có vai trò làm giảm hoạt tính gây độc tế bào của bài thuốc trên nguyên bào sợi ở người.
Theo nhóm nghiên cứu, những kết quả này cũng chỉ là bước đầu để bài thuốc này gần hơn với khả năng ứng dụng, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện thêm những nghiên cứu trong thời gian tới là xây dựng tiêu chuẩn cơ sở dược liệu hoàn chỉnh cho bài thuốc. Khảo sát thêm tác động của vị thuốc Sinh địa trên nguyên bào sợi nhằm chứng minh rõ tác động giảm hoạt tính gây độc tế bào trên nguyên bào sợi người, khi Sinh địa tham gia trong bài thuốc THMGT. Đặc biệt là sẽ nghiên cứu xác định rõ tác động gây độc tế bào ung thư và điều hòa miễn dịch, cơ chê tác động phân tử của bài thuốc THMGT, và khảo sát tác động hỗ trợ điều trị ung thư của bài thuốc THMGT với một số thuốc thông dụng trong hóa trị ung thư hiện nay (như 5
- FU, tamoxifen...)
Theo Tổ chức y tế thế giới, năm 2012 thế giới đã có 8,4 triệu ca tử vong do ung thư và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng đến hơn 14 triệu trong 2 thập kỷ tới đây. Bên cạnh những phương thức trị liệu cho ung thư như phẩu thuật, xạ trị, hóa trị liệu hay sử dụng những tác nhân điều trị trúng đích (target therapy); thì việc điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư bằng những biện pháp YHCT hiện nay đang là một hướng đi đang được ngành y quan tâm phát triển và nghiên cứu chuyên sâu...
Nguồn:http://khoahocphothong.com.vn/news/detail/41802/nghien-cuu-ve-tac-dung-cua-bai-thuoc-thanh-hao-miet-giap-thang-voi-benh-ung-thu.html