Với đề tài Bước đầu xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng những vật liệu phế thải như cát, gáo dừa, tre..., 3 học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ gồm Trần Thị Phước Huyền (lớp 11A4), Võ Thị Ngọc Tiên và Phạm Bảo Ngọc (lớp 11A5) đã đoạt được giải Nhì tại Hội thi Intel ISEF toàn quốc.
Mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt của nhóm
Sau khi đã xử lý tre (hoặc gáo dừa) thành than, cát và than được xếp thành 5 lớp xen kẽ nhau, mỗi lớp dày 5 cm. Ở đáy thùng có đặt ống nhựa, trên đó có khoan các lỗ nhỏ, xung quang ống nhựa này được bọc lớp bông gòn với mục đích ngăn không cho cát, than theo ống ra ngoài. "Ưu điểm của phương pháp này là có giá thành rẻ, vật liệu dễ kiếm do có sẵn trong tự nhiên. Các vật liệu trên được thu thập rồi đưa vào gia công thành hệ thống xử lí nước mặn với hi vọng là phương pháp xử lí rất đơn giản, rẻ tiền và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là ở các vùng bị nhiễm nước mặn và các vùng hải đảo", Phạm Bảo Ngọc cho hay.
Thử nghiệm mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt
- Ảnh: Minh Phương
Võ Ngọc Tiên cho biết. "Tuy đã đạt được kết quả khả quan, nhưng hiện tại nhóm cần có nhiều thời gian cũng như cần thêm nhiều điều kiện khác để tiếp tục tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu khác về nước sạch để phục vụ sinh hoạt của con người; đặc biệt là điều kiện thu thập mẫu nước mặn trong điều kiện thường để khẳng định thêm các ưu điểm của hệ thống xử lí và các chỉ tiêu như lưu lượng nước lọc được trên một đơn vị thời gian, bộ xử lí có thời gian làm việc tối ưu...".
Cùng với niềm đam mê khoa học và chung ý tưởng với nhóm của Huyền, 2 học sinh Hồ Văn Anh Kim (lớp 9/1) và Nguyễn Hoàng Phi Long (lớp 8/1), Trường THCS Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên
- Huế cũng đã chế tạo thành công một thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt.
Đây là sản phẩm được các nhà khoa học đánh giá có khả năng ứng dụng hữu hiệu trong thực tế...
Lớn lên ở thôn 3, xã Điền Hòa, là một xã bãi ngang ven biển của huyện Phong Điền và thường xuyên phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn để sinh hoạt nên em Hồ Văn Anh Kim luôn nung nấu ý tưởng sáng chế một thiết bị để giúp đỡ bà con ngư dân trong thôn cải thiện nguồn nước. “Do nước giếng ở quê em thường bị nhiễm phèn nặng, nhất là vào mùa hạn trong khi nguồn nước biển lại dồi dào nhưng không sử dụng được nên từ khi còn học lớp 6, em đã nghĩ đến việc chế tạo một thiết bị có thể lọc nước biển thành nước ngọt...”, Kim chia sẻ về ý tưởng độc đáo của mình.
Trong quá trình tìm tòi tài liệu, sách báo để nghiên cứu, Kim tình cờ gặp Nguyễn Hoàng Phi Long, là học sinh cùng Trường THCS Điền Hòa có chung ý tưởng. Thế là đầu tháng 6/2014, hai học sinh “trường làng” này đã bắt tay vào việc chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt với số tiền 500 nghìn đồng xin từ gia đình. “Lúc mới bắt tay vào làm, tụi em gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị và nguyên liệu lẫn kinh phí... Nhưng được sự động viên của bố mẹ, bạn bè và các thầy cô giáo trong trường nên chỉ sau một tháng, tụi em đã hoàn thành sản phẩm chế tạo như mong đợi”, em Long chia sẻ niềm vui.
Long cho biết, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bao gồm các bộ phận: Một gương cầu lõm phản xạ được gắn trên giá đỡ; một bình chứa chất lỏng dẫn nhiệt gắn trên mặt nghiêng cố định; ống nhựa đường kính 2cm để dẫn nước...
Theo đó, khi cho nước biển vào bình chứa, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu trực tiếp xuống bề mặt gương cầu lõm và phản xạ hội tụ để tạo ra nhiệt năng làm nước biển trong bình nóng lên rồi bay hơi. Thể tích nước ngưng tụ trên bề mặt nghiêng thu được chính là nước ngọt. Nếu cho 1m3 nước biển vào bình chứa kích thước 1,2m2 thì sau 8 giờ thiết bị hoạt động, sẽ thu được trên 0,95m3 nước ngọt.
Nguyễn Hoàng Phi Long đang giới thiệu về thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt của mình
- (Ảnh: B.N.L)
Thầy giáo Nguyễn Văn Tám, giáo viên dạy Vật lý Trường THCS Điền Hòa nhận xét: “Mô hình lọc nước biển thành nước ngọt của hai em Kim và Long tuy không mới nhưng có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Có thể cung cấp nước ngọt cho các hộ dân ven biển thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt có thể trang bị trên các tàu cá đánh bắt xa bờ nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt do ngư dân thường ra khơi dài ngày...”.
Mới đây, trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật (KHKT) dành cho thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên
- Huế lần thứ VII
- 2014, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời của hai em vinh dự đạt giải 3 và được Ban Tổ chức chọn tham dự kỳ thi KHKT toàn quốc diễn ra tại Hà Nội trong thời gian tới. Nếu sản phẩm của hai học sinh trên được các nhà khoa học quan tâm, đầu tư nghiên cứu thêm nữa và được ứng dụng rộng rãi thì nó sẽ là một dụng cụ hữu ích, giúp bà con ngư dân miền Trung khắc phục được tình trạng thiếu nước ngọt như hiện nay.
H.Tg tổng hợp