Một loại đèn chuyên dụng có thể điều khiển được quá trình sinh trưởng của cây trồng theo ý muốn đối với cây hoa cúc và cây thanh long vừa ra đời ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Lý Anh
- Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp giới thiệu
phòng nuôi cấy mô khoai tây dùng hệ thống chiếu sáng của Rạng Đông. Ảnh: H.N
Loại đèn này do Trung tâm R&D (thuộc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) nghiên cứu và vừa sản xuất thành công.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lý Anh
- Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, để mua được các loại đèn chuyên dụng rất khó. Các nghiên cứu về nuôi cấy mô của Viện đều phải sử dụng đèn chuyên dụng (mỗi loại cây có một bước sóng và một phổ sáng riêng biệt phù hợp).
Thế nhưng, nếu mua với số lượng ít thì các nhà sản xuất nước ngoài thường không đáp ứng, hơn nữa Viện cũng không chịu nổi vì mức giá quá cao, nên dù biết rõ vai trò của ánh sáng chuyên dụng với sự phát triển của cây trồng, nhưng Viện vẫn phải dùng nguồn sáng phổ thông (phù hợp với mắt thường) trong các nghiên cứu của mình.
"Ngay cả khi có thể đặt mua được đèn của nước ngoài, nhưng về Việt Nam, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hoàn toàn khác cũng không thể phát huy hết tính năng của đèn để đạt kết quả như mong muốn", TS Lý Anh nói.
Ngoài việc giảm được lượng điện tiêu hao thông qua sử dụng thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao, tổn hao điện thấp, phân bố ánh sáng đều, công suất 36W thay cho đèn T10 40W, nhóm tác giả của Rạng Đông tiếp tục nghiên cứu thay thế ballast sắt từ công suất 10W bằng ballast điện tử công suất 2W, giảm hệ số tỏa nhiệt, góp phần giảm năng lượng chạy điều hòa nhiệt độ để làm mát phòng về 25-26oC.
Việc thiết kế các chao chụp đèn cũng giúp tập trung bức xạ tối đa vào đối tượng cần chiếu sáng, tạo độ đồng đều chiếu sáng cao cũng đã được tiến hành và thu được kết quả bước đầu, ánh sáng tập trung lên bình nuôi cấy mô đạt 70-75%. Nếu áp dụng tất cả các sản phẩm này, lượng điện tiêu thụ cho nuôi cấy mô có thể giảm tới 50%, góp phần giúp các cơ sở nuôi cấy mô tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng tiền điện mỗi năm.
PGS.TS Đỗ Xuân Thành
- Giám đốc Trung tâm R&D Rạng Đông cho biết: thông qua việc giải mã các loại đèn chuyên dụng trong nuôi cấy mô của các nước tiên tiến, kết hợp với các nhà nghiên cứu vật liệu trong nước, các nhà khoa học của Rạng Đông đã chế tạo được loại đèn có nguồn sáng và bước sóng thích hợp cho nuôi cấy mô. Do phản ứng với ánh sáng của các nhóm cây có khác nhau, nên các nghiên cứu sử dụng đèn sao cho tối ưu với từng nhóm cây đã được tiến hành.
Đầu tháng 6 này, Viện Sinh học nông nghiệp đang đầu tư thêm phòng nuôi cấy mô dành riêng cho cây lan dược liệu, rộng 270m, với 100 giá nuôi cấy, mỗi giá 6 tầng. Bằng cách lắp hệ thống đèn chuyên dụng mới này, tổng lượng điện tiêu thụ giảm đến gần 50%. Hiện nay, Viện đang triển khai nghiên cứu thêm trên các loại cây khoai tây, đồng tiền, cẩm chướng, chuối…
Theo ước tính, ở Việt Nam hiện có trên 520 phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để sản xuất cây giống. Trong nuôi cấy mô, chi phí điện năng dùng chiếu sáng và làm mát chiếm tới 55% chi phí sản xuất cây giống. Do vậy, việc chế tạo được các thiết bị chiếu sáng có chi phí điện năng thấp, ít tỏa nhiệt nhưng vẫn đảm bảo được sự sinh trưởng, phát triển và hệ số nhân của cây được nhân giống.
Tuổi Trẻ