Tạp chí Nature Communications số ra ngày 26/5 vừa qua có đăng bài của một nhóm nhà khoa học ở Đại học Wisconsin (Mỹ), tuyên bố họ đã thành công trong việc chế tạo một chip máy tính bán dẫn hoàn toàn làm bằng vật liệu gỗ.
Loại chip máy tính công nghệ cao làm bằng gỗ này có thể sẽ được dùng cho điện thoại thông minh.
Trang điện tử popsci.com ngày 28/5 cũng đưa tin: Tuy vậy bạn chớ nên hy vọng là sẽ thấy các chàng trai ăn vận lịch sự đi khắp nơi chào hàng loại chip máy tính gỗ làm theo phương pháp thủ công này. Vật liệu gỗ mà các nhà khoa học sử dụng ở đây là loại giấy cellulose nanofibril (CNF) có thể bị phân hủy bởi sinh vật. Nó rất mỏng và dễ uốn, sau khi phủ một lớp màng mỏng epoxy thì nó không còn nở và hút khí ẩm như gỗ thường nữa. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu dùng sợi nano chất CNF làm tầng nền mạch điện, họ mong rằng phát minh này sẽ là giải pháp bảo vệ môi trường đối với tình trạng rác điện tử hiện đang tăng lên không ngừng.
Khác với rất nhiều vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ
- thứ vật liệu được các nhà sản xuất hàng điện tử hiện đang dùng để chế tạo tầng đáy của chip máy tính hiện đại -, gỗ là loại vật liệu có thể tái sinh, hơn nữa còn có một ưu điểm: nó có thể phân hủy được.
Zhenqiang "Jack" Ma, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói: “Chip máy tính gỗ hiện nay rất an toàn, bạn có thể quẳng chúng vào rừng để cho lũ vi khuẩn phân hủy chúng và sau đấy chúng trở nên an toàn như phân bón.”
Cho dù phải vài năm nữa máy tính dùng chip gỗ mới có thể được thị trường tiêu thụ nhưng biến máy tính thành phân bón quả thực là một ý tưởng kỳ diệu.
Thiết bị điện tử tiêu dùng ngày nay, như điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử cầm tay khác, thường được làm bằng vật liệu không tái tạo, không phân hủy, và đôi khi có khả năng độc hại (thí dụ gallium arsenide).
Người ta thường coi đồ điện tử là loại hàng hóa dùng một lần là vứt đi. Nhưng khác với chai lọ thủy tinh có thể tái sử dụng hoặc thực phẩm có thể biến thành phân bón, một chiếc laptop hỏng tuy có thể bị vứt vào sọt rác nhưng nó sẽ không biến mất, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Riêng nước Mỹ hằng năm quẳng đi khoảng 3,2 triệu tấn rác thải điện tử. Người ta đang cố gắng tái chế các chất thải hoặc thu hồi các tài nguyên giá trị (như vàng) trong rác thải điện tử, nhưng vẫn còn một tấn hàng điện tử (thực ra là vài triệu tấn) chất đầy các bãi rác.
Bằng cách thay đổi các vật liệu dùng để làm ra hàng điện tử, Ma và những người như ông (một nhóm khác đang tạo ra mạch điện hòa tan) đang cố gắng sớm giải quyết vấn đề rác thải điện tử, trước khi bạn quẳng điện thoại di động hoặc máy tính vào thùng rác. Thay vì chờ đợi sau khi đồ điện tử bị vứt đi rồi mới tìm cách xử lý chỗ rác thải ấy, chẳng thà bắt tay giải quyết vấn đề này ngay từ đầu vào của dây chuyền cung ứng hàng điện tử.
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=8732