(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ba học sinh sáng chế máy chưng cất rượu cần hương vị càphê

Ba học sinh, Lê Đức Thông, Tô Hoàng Khang và Nguyễn Thành Luân, học sinh lớp 12A2 trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã sáng chế thành công “Máy chưng cất rượu hương càphê.”

 

(Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)

Với ý tưởng sáng tạo, độc đáo, mang “đặc trưng” của vùng đất đỏ Tây Nguyên, mô hình của các em vừa đạt giải 3 cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014-2015.

Lê Đức Thông sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar. Bố mẹ em lam lũ quanh năm với cây càphê. Mỗi lần bố sửa máy móc nông nghiệp cho gia đình hay bà con xóm giềng, Thông đều chăm chú theo dõi, rồi đam mê tìm tòi, sửa chữa, chế tạo.

Thông kết bạn với Luân, Khang là những người có chung đam mê nghiên cứu, chế tạo. Trong các năm 2013 đến 2015, nhóm của Thông đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu, chế tạo như giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk với mô hình “Xe môi trường đô thị đa năng.”

Đặc biệt, nhóm của Thông đã đạt giải Nhì lĩnh vực Hóa, giải Ba toàn quốc cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho học sinh trung học với mô hình “Máy chưng cất rượu hương càphê.”

Mô hình được Ban giám khảo đánh giá cao ở tính sáng tạo, độc đáo mang đậm nét đặc trưng vùng miền.

Nói về mô hình của nhóm mình, Lê Đức Thông chia sẻ càphê và rượu cần là hai thức uống nổi tiếng, mang đặc trưng rõ nét nhất của vùng đất Tây Nguyên. Bởi vậy, nhóm đã quyết định sáng chế ra thứ đồ uống, kết hợp từ hai món độc đáo này.

Sau hơn 3 tháng miệt mài sáng tạo, nhóm đã cho ra lò “Máy chưng cất rượu hương càphê.”

Theo thiết kế máy gồm 2 bộ phận: bộ phận nấu (1 chiếc nồi cơm điện) và bộ phận ngưng tụ (có ống dẫn).

Khi chiếc nồi cơ bản hoàn thành, Luân nhận nhiệm vụ đi tới các quán càphê trong vùng, xin bã càphê sạch về chưng cất. Nhóm đặt tên cho sản phẩm của mình là rượu LKT là tên viết tắt của Luân, Khang, Thông.

Theo Nguyễn Thành Luân, chỉ mất 1 triệu đồng người dân có thể sở hữu máy nấu rượu bằng điện, dung tích 2l. Ưu điểm của việc nấu bằng máy điện là có thể chỉnh được nhiệt độ hợp lý, bảo đảm an toàn và rất tiện dụng, có thể đặt ở bất kỳ nơi nào trong nhà, không gây mất vệ sinh. Bã rượu có xác càphê không thể cho gia súc ăn được. Bởi vậy, cả nhóm lại tìm cách để xử lý, trộn với xơ dừa để làm phân.

Lê Đức Thông phân tích nhóm em xử lý bã rượu bằng cách cho vào thùng xốp, cho thêm ít nước rồi trộn với xơ dừa, ủ khoảng 3 ngày thì có thể trồng rau được. Đây là một quá trình nấu rượu khép kín, rất đảm bảo vệ sinh, còn có thể tạo ra nguồn rau sạch cho từng hộ gia đình.

Thầy Phạm Văn Vinh, chủ nhiệm lớp 12A2, cho biết cả Thông, Luân, Khang đều là những học sinh ngoan, lễ phép, chăm chỉ và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập.

Theo thầy Vinh, đây là mô hình độc đáo, sáng tạo, hữu dụng, mang tính đặc trưng của vùng Tây Nguyên có thể nhân rộng, làm đa dạng thức uống từ càphê./.

TTXVN/VIETNAM+

Nguồn: http://khoahocphothong.com.vn/news/detail/41104/ba-hoc-sinh-sang-che-may-chung-cat-ruou-can-huong-vi-caphe.html


Năm 2015 liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663