(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Xu hướng nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo

     Ngày nay, năng lượng đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng. Quá trình công nghiệp hoá đã làm tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới. Khi nguồn năng lượng chính là nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ra ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Vì vậy, con người đã tìm ra những nguồn năng lượng mới thay thế được gọi là năng lượng tái tạo, đây được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới.
     Năng lượng tái tạo là năng lượng được tạo ra từ các quá trình tự nhiên và liên tục được bổ sung. Nguồn tự nhiên này bao gồm ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, gió, thuỷ triều, nước và các dạng sinh khối khác nhau. Nguồn năng lượng này không bị cạn kiệt và không ngừng được tái sinh.
     Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới
Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (2001 – 2020) (Nguồn: Derwent Innovation)

     Thông qua phân tích số liệu về tình hình đăng ký sáng chế liên quan đến năng lượng tái tạo trên thế giới từ năm 2001 đến năm 2020 có thể chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 2001 – 2016: số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có xu hướng tăng dần theo thời gian. Khi khảo sát lượng đơn đăng ký sáng chế qua các năm, có thể thấy rõ sự gia tăng số lượng sáng chế, cụ thể như sau: năm 2001 chỉ có 311 đơn đăng ký sáng chế được công bố; đến năm 2014, số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố cao nhất với 2185 đơn.
- Giai đoạn 2017 – 2020: số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có xu hướng giảm, thấp nhất ghi nhận vào năm 2020 với 1378 đơn được công bố.
     Những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo

 
Hình 2. Đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới (Nguồn: Derwent Innovation)

     Hình 2 cung cấp số liệu đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thông tin này phản ánh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ này tại các quốc gia vì thông thường một công nghệ được nghiên cứu tại quốc gia nào sẽ được nộp đơn đăng ký sáng chế lần đầu tại quốc gia đó. Trong 3 quốc gia nổi bật về hoạt động nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo, đứng đầu là Nhật Bản với 10598 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; tiếp theo là Trung Quốc với 3402 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; và cuối cùng là Hoa Kỳ với 2788 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu.
     Một trong những công ty tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và áp dụng năng lượng tái tạo tại Nhật Bản và cũng là chủ sở hữu có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất là Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. MHI hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử đa quốc gia có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản, là một trong các công ty chính của Tập đoàn Mitsubishi . Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công ty này sở hữu 704 sáng chế tại 14 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó 5 quốc gia và khu vực mà công ty này nộp đơn chủ yếu là: Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ WIPO và Trung Quốc.
Hình 3. Những chủ sở hữu dẫn đầu trong năng lượng tái tạo (Nguồn: Derwent Innovation)

     Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo. Với vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió. Theo kết quả một nghiên cứu do trường Đại học Quốc gia Australia chủ trì cho biết, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu trong ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.
 
Hình 4. Cơ cấu ngành điện

     Số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) cho thấy, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW vào cuối năm 2020. Con số này vượt xa mục tiêu do chính phủ đề ra vào năm 2016 là 850 MW, thậm chí đang tiến gần đến mục tiêu 18.600 MW vào năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có quy hoạch phát triển điện gió tham vọng nhất ASEAN, với mục tiêu dự kiến là 11.800 MW vào năm 2025, so với mục tiêu của Thái Lan và Philippines lần lượt là 3.000 MW năm 2036 và 2.378 MW năm 2030.
     Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo

1. https://www.vietnamplus.vn/ty-trong-dien-gio-dien-mat-troi-cua-viet-nam-tang-nhanh-nhat-khu-vuc/743956.vnp
2. http://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/nang-luong-tai-tao--xu-the-tat-yeu-cua-the-gioi-va-huong-di-tuong-lai-cho-viet-nam-4416.4050.html
Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ ./.
 

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663