(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khai thác sáng chế, công nghệ hỗ trợ nông dân chế biến sâu cây hương thảo

Nhằm hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tách chiết xuất tinh dầu từ cây hương thảo, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã tổ chức chuyến khảo sát tại vùng nguyên liệu trồng cây hương thảo của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Cao Thượng tại Thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Công ty phần Đầu tư và Thương mại Vinatech Bắc Giang.
Thành phần đoàn công tác có TS. Đỗ Đức Nam – Phó Viện trưởng và các nghiên cứu viên Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm. Về phía HTX có bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ nhiệm hợp tác xã.

 
Hình ảnh vườn ươm cây giống cây hương thảo của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ hữu cơ Cao thượng.

Cây Hương thảo hay còn gọi là cây Mê điệt hương, tên khoa học là Rosmarinus officinalis, là loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, xuất xử từ vùng Địa Trung Hải, một số địa phương còn gọi là cây dạ hương hảo hay cỏ hương thảo. Cây hương thảo mọc thành bụi, phân nhánh, nhiều lá và cây có chiều cao khoảng 1-2m. Lá cây nhỏ hình dải không cuống và có mép gập xuống, có mùi rất thơm. Theo y học hiện đại, tinh dầu hương thảo có những tác dụng như: chống co thắt, kích thích mồ hôi, hạ nhiệt, giảm đau đầu, dịu cơn đau, hưng phấn thần kinh, trợ tiêu hoá, lợi tiểu, giải độc, chống viêm, gia tăng bài tiết mật, làm thuốc bổ đắng. Qua nghiên cứu ghi nhận được hương thảo có khả năng ức chế độc tố aflatoxine – một chất có thể gây ung thư được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực phẩm hằng ngày bị nấm mốc.
Hiện nay, hợp tác xã sản xuất dịch vụ hữu cơ Cao Thượng, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có hơn 20 ha trồng cây hương thảo, canh tác hoàn theo quy trình trồng cây hữu cơ, là nguyên liệu đầu vào cho rất nhiều sản phẩm như tinh dầu, dầu gội, dầu rửa bát, nước rửa tay,.. Theo chị Nguyễn Thị Hiền - chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, tại đây cây hương thảo được thu hoạch và chiết xuất thành tinh dầu liên tục trong mỗi mùa vụ kéo dài khoảng 2 tháng. Ngoài việc chiết xuất lấy tinh dầu, hợp tác xã còn tận dụng cây hương thảo và các sản phẩm sau khi chiết xuất tinh dầu để sản xuất các sản phẩm khác như thức ăn trong chăn nuôi, nước rửa tay, nước rửa bát. Tuy nhiên việc chiết xuất tinh dầu ở đây còn rất hạn chế về công nghệ cũng như năng suất đầu ra.
Qua khảo sát và đánh giá của đoàn khảo sát cũng như thông tin từ phía hợp tác xã, tinh dầu hương thảo ở đây có chất lượng tốt, sản xuất theo quy trình xanh sạch, tuy nhiên hệ thống thiết bị máy móc chiết xuất tinh dầu lại chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do công suất máy thấp, sản lượng và chất lượng tinh dầu theo mong muốn của doanh nghiệp là cần cải thiện hơn nữa.  

 
Sau khi chiết xuất cây hương thảo được phơi khô để làm chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi và nước tách từ tinh dầu làm hương trong sản xuất nước rửa bát

Khảo sát tại công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vinatech Bắc Giang về quy trình sản xuất và các thiết bị tách chiết tinh dầu từ cây hương thảo, các thiết bị công nghệ của công ty còn tương đối đơn giản, sử dụng công nghệ cũ trên nguyên lý phân tách dựa trên khối lượng riêng nên chất lượng sản phẩm chưa được tốt nhất.
Nhằm hỗ trợ hợp tác xã sản xuất dịch vụ hữu cơ Cao Thượng, những người nông dân trồng cây hương thảo ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và công ty phần Đầu tư và Thương mại Vinatech Bắc Giang đạt hiệu quả, đặc biệt trong việc nghiên cứu, thiết kế cải tiến hệ thống chiết xuất tinh dầu hương thảo hiện nay để nâng cao năng suất và chất lượng tinh dầu được chiết, Viện  SCCN đã tiến hành tra cứu và phân tích các sáng chế, công nghệ nước ngoài, kết quả cho thấy rằng có rất nhiều các sáng chế quốc tế về phương pháp và thiết bị chiết xuất tinh dầu cây hương thảo với nhiều ưu điểm khác nhau, như sử dụng công nghệ ngưng, làm lạnh nhanh để tránh thất thoát tinh dầu hoặc công nghệ chiết xuất bằng dung môi.
Việc phân tích, giải mã, áp dụng các ưu điểm từ các sáng chế này sẽ giúp nhóm nghiên cứu có được nhiều đề xuất cải tiến mới khá hiệu quả để phục vụ cho quá trình hoàn thiện thiết kế và quy trình chế tạo thiết bị chiết xuất tinh dầu để lắp đặt ngay trên vùng nguyên liệu. Để giải quyết các vấn đề này cho doanh nghiệp, Viện SCCN đã đề xuất hợp tác với Hợp tác xã sản xuất dịch vụ hữu cơ Cao Thượng và công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vinatech Bắc Giang, để đổi mới thiết kế chế tạo hệ thống chiết xuất tinh dầu hương thảo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường:
- Tự động kiểm soát nhiệt độ và áp suất;
- Công suất từ 500 kg - 1000 kg/mẻ nhiên liệu thô.
- Nâng cao được chất lượng tinh dầu được tách chiết.
Nguồn: Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663