(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Van điều khiển thuỷ lực (phần 1) - Phân tích thông tin sáng chế

Van thủy lực là thiết bị thuộc cơ cấu điều khiển trong hệ thống thủy lực. Van điều khiển thủy lực có vai trò cung cấp, điều khiển, phân phối dòng thủy lực có áp suất nhằm cung cấp cho các thiết bị bơm, bộ lọc, xi lanh thủy lực và hệ thống để vận hành được ổn định và thông suốt. Nó đảm bảo việc cung cấp, kiểm soát một dòng thủy lực (dầu, nhớt, hóa chất, cao su…) có áp suất và lưu lượng đúng với yêu cầu công việc.
Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thuỷ lực trên thế giới
Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực (2001 – 2020)
(Nguồn: Derwent Innovation)

Thông qua phân tích số liệu từ hình 1 về tình hình đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực trên thế giới từ năm 2003 đến năm 2020 nhìn chung có xu hướng tăng. Ở đầu giai đoạn, năm 2006 ghi nhận số lượng đơn công bố sáng chế tăng đột biến với 90 đơn đăng ký sáng chế (tăng 36 đơn so với năm 2005). Các năm sau cũng tăng giảm không đều nhưng không có sự biến động quá lớn.
Trong giai đoạn đầu tiên, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu chỉ có một vài đơn nộp tại Mỹ, Anh, Đức với số lượng rất ít; đến cuối những năm 70 bắt đầu xuất hiện thêm một số đơn nộp đầu tiên tại Nhật, Pháp… Tiếp đó, trong giai đoạn những năm 80, số lượng đơn nộp đầu tiên tại Nhật Bản duy trì khá đều đặn và luôn thuộc top 5 quốc gia chiếm ưu thế về nộp đơn đầu tiên, và số lượng đơn nộp không nhiều và đến cuối những năm 90, Nhật Bản đã vươn lên đứng đầu với ưu thế nộp đơn đầu tiên khá chênh lệch so với các quốc gia đứng sau, cụ thể là năm 1998, Nhật Bản có 107 đơn nộp đầu tiên, cách biệt rất lớn với quốc gia xếp thứ hai là Mỹ với 44 đơn nộp. Từ năm 1999 đến nay, số lượng đơn nộp đầu tiên tại top 10 quốc gia đứng đầu có sự thay đổi khá lớn về thứ tự và số lượng, với sự xuất hiện và vượt lên của Trung Quốc. Hình 2 là hình minh họa sự diễn biến nộp đơn đầu tiên theo top 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu về lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực trong giai đoạn 1999 đến nay.

 
Hình 2. Sự phát triển của đơn nộp đầu tiên theo quốc gia/vùng lãnh thổ (Nguồn: Derwent Innovation)

Khi xét về số lượng đơn nộp đầu tiên và về tổng số lượng bản ghi, Trung Quốc đều vượt lên đứng thứ nhất nhờ sự nhảy vọt về số lượng đơn đăng ký sau khi chính phủ đưa ra những chính sách thúc đẩy đăng ký sáng chế, cùng với Nhật Bản và Mỹ là 3 quốc gia đứng đầu và có sự chênh lệch rất lớn với các quốc gia còn lại. Điều này chứng tỏ, thị trường gia công van điều khiển thủy lực tại Trung Quốc đang rất phát triển và được nhiều chủ sở hữu thuộc nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau đăng ký bảo hộ để phát triển thị trường.
Hàng năm, ở Việt Nam dù nhu cầu sử dụng các thiết bị thủy lực là rất lớn nhưng các thiết bị thủy lực đều phải nhập khẩu từ các hãng trên thế giới, trong đó, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là một trong những nước chiếm thị phần không nhỏ tại Việt Nam.
Trong hệ thống thủy lực, ngoài bơm thủy lực, motor, và thiết bị chấp hành xi lanh thì chúng ta không thể bỏ qua van phân phối thủy lực. Van phân phối thủy lực là thiết yếu đối với bất kỳ hệ thống nào, chúng kiểm soát được sự hoạt động và ổn định của toàn bộ hệ thống. Bộ van phân phối thủy lực gồm nhiều van phân phối được ghép lại. Hiện tại sản xuất van trong nước đa phần là sản xuất dựa trên khả năng cắt gọt kim loại thông qua các máy gia công cơ khí thông thường, và chỉ những van phân phối có kích thước lớn, cấu tạo đường dẫn dầu đơn giản thì mới có khả năng sản xuất theo phương pháp này. Còn với những van phân phối khác, ví dụ như cho máy xây dựng thì đa phần các nhà nhập khẩu nhỏ đã nhập những van cũ từ nước ngoài về để phục vụ thay thế sửa chữa. Điều này đem lại nhiều hệ lụy về môi trường và chất lượng sản phẩm sau khi sửa chữa. Nếu nhập van phân phối là các chủng loại mới của các nhà sản xuất lớn thì chúng ta phải nhập nguyên cả bộ van chứ không nhập được các van thành phần. Điều này đã làm giá thành cho việc thay thế là rất lớn, mất nhiều thời gian chờ đợi vận chuyển và thanh toán quốc tế, ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu trong nước. Do đó, có thể thấy rằng, việc nghiên cứu phát triển công nghệ gia công van phân phối thủy lực ở Việt Nam là rất có tiềm năng.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663