(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Xu hướng nghiên cứu công nghệ sấy nông sản trên thế giới và tại Việt Nam

     Ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản... các mặt hàng khác như rau củ, trái cây cũng đã từng bước đi vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phần lớn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, phạm vi hộ gia đình với phương thức canh tác thủ công, hạn chế về công nghệ, thiết bị và phương pháp chế biến nên phần lớn nông sản vẫn đang xuất khẩu thô, không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Do đó, việc áp dụng công nghệ sấy không những giúp người nông dân bảo quản nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giải quyết được một trong những vấn nạn nông sản tồn đọng và bài toán được mùa, mất giá.
     Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sấy nông sản trên thế giới
Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sấy nông sản (2001 – 2020) (Nguồn: Derwent Innovation)

     Thông qua phân tích số liệu về tình hình đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ sấy nông sản trên thế giới từ năm 2001 đến năm 2020 có thể chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 2001 – 2018: số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có xu hướng tăng dần theo thời gian. Khi khảo sát lượng đơn đăng ký sáng chế qua các năm, có thể thấy năm 2001 chỉ có 909 đơn đăng ký sáng chế được công bố; đến năm 2018, số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố cao nhất với 2175 đơn.
- Giai đoạn 2018 – 2020: số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có xu hướng giảm, thấp nhất ghi nhận vào năm 2020 với 1670 đơn được công bố.
     Phương thức sản xuất nông nghiệp trên thế giới khá đa dạng và khác nhau như đối với các nước phát triển và các nước đang phát triển. Đối với những nước phát triển như Mỹ, Úc, Châu Âu thì sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn và mức tự động hóa cao. Do đó, công nghệ sấy nông sản đối với những nước phát triển với công nghệ cao, quy mô lớn và tập trung. Những công nghệ như sấy tháp, sấy tầng sôi, sấy thông thoáng bảo quản đang được ứng dụng phổ biến. Trong khi đối với những nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Indonesia, Myanmar…sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên công nghệ sấy nông sản cũng chỉ là các công nghệ sấy đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí sản xuất cho hộ nông dân, như là sấy đảo chiều bằng không khí nóng,…
     Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sấy nông sản tại Việt Nam
Hình 2. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sấy nông sản tại Việt Nam (2010 – 2021) (Nguồn: Derwent Innovation)

     Theo dữ liệu của Derwent Innovation, Việt Nam mới chỉ ghi nhận công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sấy nông sản từ năm 2010 và từ đó đến 11/2021 có tổng 96 đơn đăng ký sáng chế thuộc lĩnh vực này được công bố và đạt đỉnh vào năm 2020 với 21 đơn đăng ký sáng chế được công bố.
Việt Nam có nguồn nông sản phong phú để có thể chế biến thành sản phẩm sạch, có khả năng cạnh tranh cao, mang lại giá trị gia tăng lớn. Do đó, việc bảo quản hay làm khô nông sản đã có nhiều giải pháp và được ứng dụng một số nơi như sấy thăng hoa, sấy bằng tia hồng ngoại, sấy bằng dòng điện,….Mỗi công nghệ sấy có những ưu và nhược điểm riêng, có thể sấy các dạng nông sản, dược liệu thô hay chế biến sâu.

 
Hình 3. Máy sấy lạnh tại xưởng sản xuất của Vinamit. (Nguồn: Vinamit)

     Với quan điểm phải tạo ra những sản phẩm nguyên bản, đơn chất và phải "vì sự sống" trong nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit không một chút băn khoăn hay do dự khi tiêu tốn đến hơn 100 tỷ đồng để nghiên cứu công nghệ sấy đông khô. Từ năm 2019 đến nay, ông đã có 5 đơn sáng chế Mỹ đã công bố cho công nghệ sấy đông khô và các sản phẩm từ rau củ quả sử dụng công nghệ này, trong đó có 4 Bằng sáng chế Mỹ đã được cấp (US10966439 B2; US10921058 B2; US10451346 B1; US10676797 B1).
     Ưu điểm của công nghệ sấy đông khô, theo ông chủ của Vinamit chia sẻ, là sản phẩm sấy không cần sử dụng phụ gia, chất bảo quản đi kèm mà vẫn giữ được các chất vi lượng, dinh dưỡng và mùi vị giống đến 96-98% so với ban đầu trong thời gian tới hơn 10 năm. Những giải pháp công nghệ trong các sáng chế này được ông Nguyễn Lâm Viên kiên trì mày mò, nghiên cứu trong suốt ba, bốn năm trở lại đây để phục vụ cho một mục tiêu tương lai mà ông rất tâm đắc: giúp nông sản giữ được “cái sự sống” ở bên trong và trở thành nền tảng cho sản phẩm sinh y chữa bệnh.
     Một số thiết bị và sản phẩm công nghệ của Vinamit đã được cung cấp cho thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường chiến lược của doanh nghiệp này là thị trường nội địa, nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghệ, dịch vụ cho các doanh nghiệp, startup muốn đầu tư phát triển vào lĩnh vực thực phẩm sạch, thực phẩm dinh dưỡng.
---------------------------
Tài liệu tham khảo

1.https://ipvietnam.gov.vn/ip-day-2021/-/asset_publisher/xMfwzYFpmtbD/content/cong-nghe-say-ong-kho-cua-vinamit-tham-vong-ve-nhung-san-pham-nong-nghiep-tuong-lai?inheritRedirect=false
2.https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12534/vinamit-lam-chu-cong-nghe-say-lanh-tai-dinh-nghia-viec-bao-quan-san-pham-nong-san.html

 

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663