(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Xu hướng nghiên cứu công nghệ 5G

     Năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của công nghệ 5G khi làm việc từ xa, hội nghị trực tuyến và hợp tác trên các nền tảng kỹ thuật số trở thành những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống. Sự phụ thuộc của con người vào điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác càng làm nổi bật nhu cầu về đường truyền viễn thông nhiều làn mà các nhà khai thác mạng luôn nhắc tới. Do đó, việc triển khai mạng 5G đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động thường nhật. Vậy xu hướng nghiên cứu công nghệ 5G của các quốc gia sẽ phát triển như thế nào?
     Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ 5G trên thế giới
Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ 5G (2001 – 2020) (Nguồn: Derwent Innovation)
 
     Thông qua phân tích số liệu về số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố về công nghệ 5G trên thế giới trong giai đoạn 2001 - 2020, có thể nhận thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố có tăng, có giảm theo từng năm nhưng xu hướng chung là tăng dần theo thời gian. Trong đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2016 cho tới nay khi xu hướng nghiên cứu bắt đầu chú trọng phát triển công nghệ 5G. Khi khảo sát lượng đơn đăng ký sáng chế qua các năm, có thể thấy rõ sự gia tăng số lượng sáng chế, cụ thể như sau: Năm 2001 chỉ có 18 đơn đăng ký sáng chế được công bố; năm 2011 có 70 đơn đăng ký sáng chế được công bố; đến năm 2019, số lượng đơn đăng ký sáng chế được công bố cao nhất với 8247 đơn; năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ với 7803 đơn đăng ký sáng chế được công bố.
     Những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 5G

 
Hình 2. Đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới (Nguồn: Derwent Innovation)
 
     Hình 2 cung cấp số liệu đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ 5G. Thông tin này phản ánh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ này tại các quốc gia vì thông thường một công nghệ được nghiên cứu tại quốc gia nào sẽ được nộp đơn đăng ký sáng chế lần đầu tại quốc gia đó. Trong 3 quốc gia nổi bật về hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G, đứng đầu là Trung Quốc với 6556 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; tiếp theo là Hoa Kỳ với 4258 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu; và cuối cùng là WIPO với 3962 đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu.
     Một trong những công ty tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ 5G tại Trung Quốc và cũng là chủ sở hữu có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất là Công ty Huawei Tech Co. Trong lĩnh vực công nghệ 5G, công ty này sở hữu 2294 sáng chế tại 14 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó 5 quốc gia và khu vực mà công ty này nộp đơn chủ yếu là: WIPO, Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Hình 3. Những chủ sở hữu dẫn đầu trong công nghệ 5G (Nguồn: Derwent Innovation)

 
     Hiện nay, việc triển khai 5G trên toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng. Là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 1.037.000 trạm thu phát sóng di động 5G, bao phủ toàn bộ thành phố cấp tỉnh, trên 95% khu vực cấp huyện, 35% xã và thị trấn. Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết, số lượng kết nối 5G ở nước này đã đạt 365 triệu, chiếm 80% tổng số kết nối 5G của thế giới.
     Các dịch vụ 5G ở Trung Quốc hiện cung cấp tốc độ hàng trăm Mb/giây và một loạt các dịch vụ 5G đã được triển khai trong hơn 20 ngành công nghiệp trong nước, bao gồm chăm sóc sức khỏe, cảng, thép, lưới điện, khai thác và sản xuất.

 
Hình 4. Sự phổ cập mạng 5G sớm mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trong việc triển khai, phát triển các ứng dụng (Nguồn: China Daily)

     Tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, cả ba nhà mạng lớn gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã được cấp phép và triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G.
     Ngày 15/9/2021, Viettel, Tập đoàn Ericsson và Tập đoàn Qualcomm Technologies,Inc đã chính thức tuyên bố hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm và thiết lập thành công tốc độ truyền dữ liệu 5G đạt hơn 4,7Gb/giây. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có.
     Kết quả này khẳng định năng lực vượt trội của công nghệ 5G sóng cực ngắn (mmWave) mà Viettel đang triển khai tại Việt Nam. Mạng 5G với tốc độ siêu cao sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực với hiệu suất vượt trội, là nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh… Sự kiện cũng đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người Việt Nam được tiếp cận với thiết bị 5G có tốc độ cao mọi lúc mọi nơi.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663