(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Vai trò và phương thức đánh giá tiềm năng thương mại hoá sáng chế

Sáng chế (SC) là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Thương mại hoá sáng chế (TMHSC) có thể được hiểu là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đối với SC để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu SC đặt ra. Việc bảo hộ SC chỉ thực sự có ý nghĩa khi SC đó được TMH, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu.

 

Đánh giá tiềm năng TMH của bằng SC là một công cụ hữu ích để phát hiện tiềm năng thị trường, góp phần vào việc ra quyết định quản lý danh mục đầu tư. Xác định các bằng SC có giá trị trong danh mục bằng SC của tổ chức là một vấn đề quan trọng đối với các nhà quản lý SHTT nếu một tổ chức có được phương pháp đánh giá, phân tích giá trị công nghệ thông qua phân tích bằng SC, thì tổ chức đó có thể thực hiện các chiến lược tiếp thị và hiệu quả chi phí tốt hơn, tổ chức đó sẽ  có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho việc TMH danh mục SC của mình.
Đánh giá tiềm năng là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công trong chiến lược TMH, nó cho phép xác định các mối đe doạ tiềm tàng và công cụ hỗ trợ đắc lực cho người quản lý trong việc tiếp tục đầu tư vào SC hay từ bỏ.
Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) thường xuyên phối hợp với các nước thành viên thực hiện các chương trình, khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến tài sản SHTT, trong đó có các mô-đun về đánh giá công nghệ, SC.
Phương pháp đánh giá khả năng TMH của một SC theo WIPO bao gồm 06 bước:

Bước 1, mô tả công nghệ (đánh giá sơ bộ): Mục đích của mô tả công nghệ là nhằm đánh giá sơ bộ về sáng chế để xác định tính thích hợp của công nghệ của sáng chế theo thứ tự ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó để chuyển giao hay áp dụng sáng chế ra ngoài. Ngoài ra, việc mô tả công nghệ trong sáng chế còn giúp nhận biết các lợi ích và bất lợi của công nghệ đó, từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh và kiểm soát đối với công nghệ.
Bước 2, đăng ký SHTT: Bằng sáng chế được cấp ở một quốc gia có thể ngăn người khác sản xuất, bán hoặc sử dụng sáng chế đó chỉ ở quốc gia đó mà không có ảnh hưởng hay giá trị pháp lý ở bất kỳ nơi nào khác. Do vậy, nếu một nhà sáng chế có kế hoạch bán hoặc cấp phép (li-xăng) sáng chế của mình ở nước ngoài thì cần phải xem xét việc bảo hộ tại những quốc gia sẽ là thị trường mục tiêu. Nếu không bảo hộ, bất cứ ai cũng có thể thực hiện, sử dụng hoặc bán sáng chế của họ một cách hợp pháp và tự do ở nước ngoài.
Bước 3, phân tích thị trường và tính liên quan đến thị trường của công nghệ: Phân tích thị trường là chìa khóa của sáng chế. Nó quyết định mức độ cạnh tranh mà một nhà sáng chế sẽ phải đối mặt, phương pháp để đối phó với các đối thủ cạnh tranh, ai và có bao nhiêu khách hàng sẽ thu hút được, cùng sức mua của họ. Nói chung, phân tích thị trường cho phép đưa ra kết luận liệu có đáng để phát triển sáng chế hay không, bất kể mức độ phát kiến kỹ thuật như thế nào bởi, một sáng chế có thể rất sáng tạo, nhưng nó phải mang lại lợi nhuận và hữu ích cho các doanh nghiệp, cho chính nhà sáng chế nếu anh ta chọn tự sản xuất và tiếp thị, hoặc cho bên thứ ba sẽ được cấp phép; và sáng chế đó phải tốt hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác.
Bước 4, tính khả thi và khả năng mở rộng quy mô của công nghệ
Bước 5, đánh giá giai đoạn phát triển của công nghệ: Phân tích giai đoạn phát triển của công nghệ trong một sáng chế là nhằm xác định mức độ sẵn sàng của công nghệ đó để đưa ra thị trường.
Bước 6, đánh giá cơ hội (tiềm năng) tài chính và hỗ trợ khác: Trong phần lớn các trường hợp, việc bố trí sẵn nguồn tài chính là một vấn đề trọng tâm đối với các nhà sáng chế. Trên thực tế, một trong những chi phí đầu tiên phải được bố trí trước liên quan đến giai đoạn tiếp thị (marketing) có thể có của một sản phẩm được cấp bằng sáng chế là thanh toán phí gia hạn cần thiết để duy trì hiệu lực bằng sáng chế và khoản phí này thực tế là bắt buộc trong tất cả các quy định về sở hữu trí tuệ. Vấn đề thường gặp ở các nhà sáng chế là họ không còn hoặc không có đủ tiền sau khi đã đầu tư vào thủ tục đăng ký sáng chế. Do vậy việc tìm kiếm, xác định các chương trình, quỹ công cộng, nhà đầu tư tư nhân hoặc  các nguồn tài nguyên khác để thực hiện thành công đưa sáng chế ra thị trường là rất quan trọng.
Như vậy, đánh giá tiềm năng TMH SC có vai trò quan trọng đối với những người quản lý danh mục đầu tư SC, việc đánh giá này cần phải thực hiện mang tính chất thường xuyên, liên tục, định kỳ để xác định lại giá trị của những SC mà chủ sở hữu đang có. Thông qua việc đánh giá tiềm năng TMH này mà chủ sở hữu sẽ quyết định giữ hay loại bỏ duy trì hiệu lực các SC có trong danh mục cũng như có những chiến lược dài hơi trong việc TMH danh mục SC của mình. Việc đánh giá tiềm năng này nếu được chủ sở hữu thực hiện đánh giá sơ bộ trước khi quyết định đăng ký bảo hộ SC sẽ làm cho SC nếu được cấp bằng sau này sẽ có tiềm năng hơn những SC khác không được đánh giá.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663