(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thương mại hóa sáng chế - Những thách thức, khó khăn dưới lăng kính đa chiều

(Bài học kinh nghiệm từ một giảng viên đại học, đồng thời là chủ sở hữu doanh nghiệp khoa học và công nghệ)
Từ hơn 10 năm kinh nghiệm trực tiếp và gián tiếp xúc tiến các hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế (TMHSC), công nghệ cùng các cộng sự, ông Nguyễn Đức Quyền – Giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tác giả của sáng chế “Lò đốt rác thải sinh hoạt” (bằng độc quyền số 1840) – chủ sở hữu Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội – đã chia sẻ một số giải pháp và bài học kinh nghiệm nhằm tạo động lực và lan tỏa tinh thần tích cực nghiên cứu khoa học, đưa những kết quả đổi mới sáng tạo vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một trong những  giải pháp nổi bật tại Cuộc thi Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021 do Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ phối hợp với Làng sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tổ chức trong khuôn khổ sự kiện TECHFEST 2021.
Giải pháp thương mại hóa sáng chế là cuộc thi nhằm tìm kiếm phương thức, cách thức hỗ trợ quá trình TMHSC, giải pháp hữu ích (GPHI) để thúc đẩy hoạt động chuyển giao sáng chế (SC), công nghệ vào cuộc sống và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cuộc thi đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức trong nước, trong đó tác giả Nguyễn Đức Quyền là một đại diện cho nhóm chủ sở hữu áp dụng kết hợp 2 phương thức khai thác TMHSC đó là: i) tự khai thác SC bằng cách áp dụng SC vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình; và ii) chuyển giao quyền sở hữu/chuyển nhượng quyền sử dụng  cho các đối tượng khác.

Trong bài dự thi, tác giả Nguyễn Đức Quyền đã nêu ra 5 nhóm vấn đề thách thức khi TMHSC nói chung như sau:
(1) Vấn đề liên quan đến tính chất của SC
          Theo tác giả, các SC Việt chưa khẳng định được tính vượt trội về công nghệ và hiệu quả kinh tế. Phần lớn các SC chưa xuất phát từ các khó khăn, vướng mắc về công nghệ hoặc cần nghiên cứu để đưa ra giải pháp hiệu quả từ sản xuất. Nếu có thì SC thường chỉ tập trung vào một số điểm mấu chốt chứ không phải là một thiết bị hoàn chỉnh, hoặc chỉ là một giải pháp hay tác phẩm của nhà SC trong một điều kiện cụ thể và không có tính đại diện cho nhiều đối tượng khác nhau. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của SC khi áp dụng cho các đối tượng có tính chất tương đồng thấp. Đặc biệt, với những SC chưa có mô hình thực tế thì rất khó để đảm bảo tính đồng dạng khi triển khai áp dụng trên một đối tượng cụ thể. Chưa kể việc áp dụng các sáng chế vào một đối tượng cụ thể thường gắn với việc đầu tư bổ sung mới thiết bị, điều chỉnh các thông số công nghệ, từ đó làm thay đổi tính chất của SC hoặc phát sinh các vấn đề nằm ngoài dự kiến của các bên, dẫn đến quyền lợi và cách thức phân chia quyền lợi bị ảnh hưởng.
(2) Vấn đề liên quan đến chủ đầu tư
          Chủ đầu tư chưa hiểu hết và thiếu niềm tin vào hiệu quả của SC khi được áp dụng vào một điều kiện cụ thể; hoặc hiệu quả của SC không rõ rệt, không thuyết phục được chủ đầu tư phải trả phí đầu tư hoặc trả phí li-xăng.
          Việc hạn chế rủi ro cho chủ đầu tư khi áp dụng các SC cũng chưa được phân tích đầy đủ, và người cung cấp SC có thể sẽ không thể chịu hoặc không đánh giá được hết các rủi ro này.
(3) Vấn đề liên quan đến tác giả hoặc nhóm tác giả của sáng chế
          - Tác giả không đủ cơ sở lý luận để giải thích, vận dụng hiệu quả giải pháp vào một bài toán cụ thể của chủ đầu tư.
          - Tác giả không đủ kinh phí, chưa dám chấp nhận rủi ro, không cam kết trả lại toàn bộ các thiệt hại cho chủ đầu tư nếu SC áp dụng không hiệu quả.
          - Tác giả không cung cấp đầy đủ thông tin của SC cho chủ đầu tư để họ thấy được sự phù hợp của SC với nhu cầu của mình.
          - Tác giả không đánh giá hết được rủi ro khi áp dụng SC vào dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, chẳng hạn như chi phí đầu tư phát sinh thêm hoặc các điều chỉnh khác về mặt kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến chi phí vận hành hoặc lợi ích của doanh nghiệp.
          - Tác giả không thể đồng thuận về phí hoặc lợi nhuận khi triển khai áp dụng SC vào một đối tượng cụ thể.
(4) Vấn đề liên quan đến thị trường
          Thị trường SC tại Việt Nam thực sự chưa hình thành, các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối người mua và người bán còn hạn chế. Đa số các giao dịch vẫn dừng ở mặt hình thức.
Phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước và một bộ phận doanh nghiệp Việt chưa có văn hóa tôn trọng sản phẩm hoặc các mẫu sản phẩm, mà tự ý sao chép để sử dụng như của chính mình. Các sản phẩm của những doanh nghiệp và cơ sở sản xuất này bên cạnh việc tương đồng về mặt tính năng, công dụng với sản phẩm mẫu, thì còn có giá thành rẻ hơn do không phải bù đắp chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí đăng ký bảo hộ và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phí li-xăng,… nên vẫn được chấp nhận bởi chính các đối tác hoặc khách hàng tiêu dùng. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế cho tác giả, chủ sở hữu SC, mà còn làm giảm động lực và đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, từ đó khiến cho việc TMH các SC trở nên khó khăn hơn.
          Bên cạnh đó, thông tin về SC không và chưa được công bố rộng rãi đến với các doanh nghiệp hoặc chính các doanh nghiệp cũng không muốn quan tâm đến các thông tin này.
(5) Vấn đề khác
          - Có rất ít chủ đầu tư và các doanh nghiệp duy trì bộ phận hoặc cá nhân phụ trách về mảng sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu, ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích cho sản phẩm của họ. Nếu có, họ thường là các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia.
- Chính sách bảo hộ đối với tác giả/nhóm tác giả có tài sản SHTT từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng còn yếu, thiếu sự quan tâm đúng mực.

Từ 5 nhóm vấn đề vướng mắc trên đây, tác giả Nguyễn Đức Quyền đã đề xuất ra các giải pháp giải quyết cụ thể cho từng nhóm vấn đề như: khảo sát kỹ đối tượng thực tế để các điều chỉnh kỹ thuật cần thiết, đánh giá đầy đủ các rủi ro và đề xuất các giải pháp phù hợp với đối tượng nhằm đạt hiệu quả mong muốn khi áp dụng SC; cần có Công ty hoặc đơn vị đồng hành với các nhà sáng chế để chấp nhận các rủi ro khi áp dụng SC; xây dựng văn hóa tôn trọng quyền tác giả đối với các sản phẩm công nghệ; cần có thêm các chế tài, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ bằng tiền cho các giải pháp có đăng ký SHTT mạnh mẽ hơn…
Ngoài ra, tác giả cũng mô tả những giải pháp cụ thể mà mình và các cộng sự đang xúc tiến nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác TMHSC tại Viện KH&CN Nhiệt Lạnh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đó là:
  • Bán thiết kế trọn gói cho các chủ đầu tư có nhu cầu: áp dụng cho các nhà sản xuất, hoặc các chủ đầu tư có nhiều công ty con, có nhiều sản phẩm sẽ được chế tạo tương tự nhau;
  • Bán thiết kế kết hợp với giám sát chế tạo sản phẩm: áp dụng cho cho đối tác là các nhà sản xuất, chủ đầu tư mà năng lực kỹ thuật không thực sự tốt, nhưng mong muốn giảm giá sản phẩm, muốn làm chủ công nghệ và định hướng phát triển nhiều sản phẩm;
  • Chia sẻ lợi ích kinh tế từ việc bán thiết kế giá hợp lý, giám sát chế tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình vận hành: áp dụng cho các đối tác, công ty mong muốn kết hợp đường dài với tác giả, tận dụng tối đa ưu thế từ các nhà cung cấp công nghệ, nhìn nhận sự thay đổi công nghệ như một lợi thế cạnh tranh.
  • Bán trọn gói: áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các đơn vị tư nhân, có tính chuyên nghiệp cao, phạm vi phân biệt rõ ràng; Hoặc được thực hiện cho các đối tác có niềm tin về công nghệ nhưng cần tiến độ cho các dự án;
  • Hỗ trợ thủ tục cho chủ đầu tư có lấy phí phù hợp, song hành hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư ngay từ giai đoạn đầu xây dựng nhà máy, sau này trừ sau vào giá cung cấp dịch vụ được xem là giải pháp phù hợp cho các bên.
Với những thông tin chia sẻ rất thiết thực từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, giải pháp dự thi của tác giả Nguyễn Đức Quyền đã thu hút được nhiều sự quan tâm và đồng tình của các cá nhân, tổ chức tham gia tại Cuộc thi Giải pháp thương mại hóa sáng chế tổ chức trong khuôn khổ TECHFEST 2021.
Nguồn: Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hoá sáng chế ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663