(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nông nghiệp hữu cơ – Những thuận lợi và khó khăn tại Việt Nam (phần 5)

     Tại Việt Nam, xu hướng phát triển sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang dần nở rộ và phát triển một cách nhanh chóng. Mình chứng cụ thể chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh nông sản hữu cơ, trông trọt hữu cơ với đa dạng các loại cây trồng. Tuy nhiên để có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ sao cho bền vững, chất lượng và đạt hiệu quả tốt nhất thì cần đánh giá những thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam đang mắc phải, từ đó đề ra giải pháp phát triển NNHC tại Việt Nam trong thời gian tới.
  1. Thuận lợi:
- Thuận lợi về điều kiện tự nhiên: Nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm rất thuận lợi cho việc chuyển hóa các chất hữu cơ thành những khoáng chất phục vụ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của nước ta cũng khá dồi dào. Hàng năm, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp khoảng 60-70 triệu tấn, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn. Ngoài ra, nước ta có lượng phân bùn dồi dào có giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ.
- Thuận lợi về nguồn lao động: Nguồn lao động ở nước ta khá dồi dào với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống là một lợi thế lớn trong sản xuất NNHC vì ngành nông nghiệp đòi hỏi nhiều lao động thủ công tỉ mỉ trong từng công đoạn của quá trình sản xuất.
- Thuận lợi về mặt chính sách: Nhằm thúc đẩy phát triển NNHC, các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự quan tâm và đầu tư hơn cho NNHC. Cụ thể, Bộ KH&CN đã ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia (TCVN 11041:2017) với các tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC, trồng trọt hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ…
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP (ngày 29/8/2018) về NNHC, trong đó quy định những chính sách khuyến khích phát triển NNHC: (1) ưu tiên kinh phí nghiên cứu khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc; (2) cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hoặc vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu  cơ  được  ưu  tiên  hưởng  các  chính  sách khuyến khích đầu tư; (3) hỗ trợ 100% kinh phí về xác định vùng đất đủ tiêu chuẩn và chi phí cấp lần đầu (hoặc cấp lại) Giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn hữu cơ cùng nhiều cơ chế chính sách khác về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất, chi phí giống kháng sâu bệnh, sử dụng phân bón hữu cơ…
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Mục tiêu tổng quát của Đề án là: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm ngày càng cao. Hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của các nước. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong phát triển NNHC thông qua sự giúp đỡ của IFOAM và nhiều tổ chức Quốc tế khác.

 
Hình ảnh mô tả nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ
 
  1. Khó khăn, thách thức:
Bên cạnh những thuận lợi có được thì sản xuất NNHC ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn và thách thức, cụ thể như sau:
- Quá trình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ: Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. 
Với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại.
Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ.
-  Giá thành sản phẩm: Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn…).
- Quy mô sản xuất: Phần lớn các hộ nông dân Việt Nam sản xuất với quy mô hộ gia đình, nhỏ, manh mún nên khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, động lực quan trọng nhất là kinh tế, vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn.
- Nhận thức của người dân Việt Nam về NNHC: Mặc dù nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao nhưng xét về tình hình chung thì nhận thức về NNHC của đại đa số người dân Việt Nam là chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.
- Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam: Chính sách, pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu. Đặc biệt, hiện nay ở nước ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển NNHC, chưa có tổ chức nào được cấp phép là tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, kể cả việc áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS mặc dù được IFOAM công nhận nhưng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận chính thức để áp dụng.
      Do vậy, để thúc đẩy phát triển NNHC thì Việt Nam cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn để phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663