(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nông nghiệp hữu cơ - Tổng quan những điều cần biết (Phần 1)

     Hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) trong những năm gần đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề trên. Vậy nông nghiệp hưu cơ là gì?
Có một số ý kiến cho rằng: Nông nghiệp hữu cơ hay Organic Agriculture là phương pháp sản xuất lương thực nhằm phát triển các hệ thống sản xuất bền vững về mặt môi trường và kinh tế với sự nhấn mạnh vào việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo tại địa phương và sử dụng tối thiểu đầu vào.
     Tại Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ năm 2017 có định nghĩa rằng: Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương.
     Theo Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM): Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
     Như vậy, NNHC theo cách hiểu đơn giản nhất thì đó là hệ thống sản xuất dựa vào các quá trình sinh thái, như tái chế chất thải, phân hữu cơ (như phân chuồng, phân xanh) và các loại thuốc trừ sâu tự nhiên (ví dụ các loài động vật săn mồi) thay cho các đầu vào tổng hợp như phân hoá học và thuốc trừ sâu. Việc sử dụng kháng sinh và các sản phẩm khác liên quan đến sức khoẻ để chữa bệnh cho vật nuôi, cũng như để tăng năng suất bị hạn chế hoặc không được phép (ví dụ ở Mỹ, kháng sinh không được phép sử dụng trong các sản phẩm vật nuôi được dán nhãn hữu cơ).

 
Hình ảnh minh hoạ mô hình nông nghiệp hữu cơ

     Một hệ thống sản xuất hữu cơ được thiết kế nhằm đạt được mục đích như sau:
- Tăng cường sự đa dạng sinh học trong toàn bộ hệ thống;
- Tăng hoạt tính sinh học của đất;
- Duy trì độ màu mỡ lâu dài của đất;
- Tái chế chất thải thực vật và động vật để trả lại chất dinh dưỡng cho đất, do đó, giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo;
- Dựa vào các nguồn tài nguyên tái tạo trong các hệ thống nông nghiệp được tổ chức ở địa phương;
- Thúc đẩy việc sử dụng bền vững đất, nước và không khí cũng như giảm thiểu tất cả các dạng ô nhiễm có thể phát sinh từ các hoạt động nông nghiệp;
- Xử lý sản phẩm nông nghiệp với sự nhấn mạnh vào các phương pháp chế biến thận trọng để duy trì các phẩm chất quan trọng của sản phẩm hữu cơ ở mọi giai đoạn;
- Có thể áp dụng trên bất kỳ trang trại hiện hữu nào thông qua giai đoạn chuyển đổi, khoảng thời gian thích hợp được xác định bởi các yếu tố cụ thể của địa phương như lịch sử đất đai, loại cây trồng và vật nuôi được sản xuất.


     Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm:
- Hóa chất bảo vệ thực vật;
- Phân bón hóa học;
- Chất kích thích tăng trưởng;
- Sản phẩm đột biến gen;
- Và phân bắc.
     Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp đồng bộ quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác. Cụ thể, trên một nông trại hữu cơ, mỗi kỹ thuật thường không được sử dụng riêng lẻ. Nông dân sẽ sử dụng đồng thời một loạt các phương pháp hữu cơ để chúng cùng có tác dụng nhằm mang lại lợi ích tối đa. Ví dụ như việc sử dụng phân xanh và canh tác thận trọng kết hợp với việc kiểm soát tốt hơn cỏ dại sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ sử dụng các kỹ thuật này riêng lẻ.
     Theo IFOAM, NNHC được định hướng theo bốn nguyên tắc:
- Nguyên tắc về sức khoẻ: NNHC duy trì sự bền vững và tăng cường sức khỏe của đất, động thực vật, con người và hành tinh như một thể thống nhất và không thể tách rời;
- Nguyên tắc về hệ sinh thái: NNHC dựa vào sức sống và chu kỳ của hệ sinh thái, nó hoạt động, mô phỏng và giúp cải thiện hệ sinh thái;
- Nguyên tắc về tính công bằng: NNHC được xây dựng trên những mối quan hệ đảm bảo sự công bằng và quan tâm tới môi trường chung cũng như các điều kiện sống, các cơ hội sống phù hợp cho tất cả, kể cả vật nuôi và cây trồng;
- Nguyên tắc về sự cẩn trọng: NNHC được quản lý một cách thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khoẻ, an sinh của các thế hệ hiện tại, trong tương lai và môi trường.
      Như vậy, từ những cơ sở lý thuyết và thực tiễn áp dụng phương thức canh tác kết hợp với quy trình tự nhiên sẽ bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp./.
Nguồn: Văn phòng Viện nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663