(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nông nghiệp hữu cơ - Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ (Phần 2)

     Tại phần 1, chúng tôi đã đề cập đến khái niệm nông nghiệp hữu cơ và lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Phương thức canh tác với quy trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Do vậy, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành một số văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
     Ngày 05/8/2008, Hội nghị TW 7 khoá X đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn - cũng chính là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện tới cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, toàn dân không chỉ đến năm 2020 mà còn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. 10 năm sau ngày thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, NNHC sẽ là loại hình sản xuất nông nghiệp không sử dụng chất hóa học, không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại.
     Nghị định 109 cũng quy định một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm sản xuất sản phẩm hữu cơ về: 100% Kinh phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp thẩm quyền phê duyệt; chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN. Điều kiện để được hỗ trợ là các nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp thẩm quyền phân duyệt; Có cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được duyệt; Cơ sở đủ điều kiện được hỗ trợ đầu tư theo tiến độ của dự án. Đồng thời, để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, Nghị định còn quy định một số chính sách đã ban hành được ưu tiên áp dụng cho nông nghiệp hữu cơ như: Kinh phí khoa học, khuyến nông; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; chính sách hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường... Ngoài ra, Nghị định còn quy định nguyên tắc sản xuất, tiêu chuẩn, vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ; kiểm tra thử nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ.
     Đặc biệt, năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ quy định chi tiết về yêu cầu đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Gần đây nhất, vào tháng 9/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ.

 
Hình ảnh minh hoạ mô hình nông nghiệp hữu cơ

     Theo thống kê, Việt Nam hiện có 40 tỉnh, thành có trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản… chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè. Chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 tỉnh thành có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con. Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mới chỉ có rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ và sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.
      Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong số không nhiều quốc gia có ghi nhận pháp lý cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Đảng và Chính phủ đã đưa ra một số chính sách khuyến khích phát triển khu vực này. Các DNXH này hiện đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Việc gắn trách nhiệm xã hội với sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay đang được coi là đòn bẩy hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.
     Toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều đã ban hành và thực thi các chính sách cũng như tại điều kiện để nhân rộng mô hình trách nhiệm xã hội gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đây, chúng tôi có thể tin tưởng hơn vào tương lai tươi sáng của nền sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững nói chung. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động trực tiếp, gián tiếp mà mô hình sản xuất này đang tích cực được nhân rộng tại nhiều địa phương, trong đó chú trọng thay đổi phương thức, mô hình canh tác, sản xuất có hiệu quả, gần gũi, thân thiện với môi trường giúp đổi thay đời sống bà con nông dân.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.
 

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663