(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khai thác thông tin sáng chế để phát triển công nghệ sấy thuốc lá không sử dụng than củi cho các hộ dân tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai

Trên cơ sở khai thác thông tin sáng chế, các cán bộ và chuyên gia của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã nghiên cứu phát triển thành công công nghệ sấy lá thuốc lá lá vàng không sử dụng than củi. Mô hình lò sấy tiên tiến đã được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công với công suất 2 tấn/mẻ tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Lò sấy mới đã mở ra giải pháp thay thế công nghệ truyền thống sử dụng củi đốt hiện đang gây tổn hại đến an ninh rừng và ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các hộ dân trên địa bản các huyện Đông Nam của tỉnh Gia Lai như Krông Pha, Ayun Pa, Ia pa, Phú Thiện vẫn phải dựa chủ yếu vào cây thuốc lá để duy trì thu nhập ổn định và phát triển kinh tế. Đến thời điểm vụ Đông Xuân 2020-2021, các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh có 3.494 ha thuốc lá, trong đó, huyện Krông Pa 2.033 ha, Ia Pa 1.019 ha, Phú Thiện 192 ha và thị xã Ayun Pa 250 ha. Riêng Krông Pa, tuy chính sách nhà nước là giảm thiểu trồng cây thuốc lá, nhưng trên địa bàn các huyện ở đây, trước mắt chưa có được mô hình phát triển kinh tế khác thì cây thuốc lá vẫn vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân, chiếm hơn 60-70% so với các hình thức phát triển kinh tế khác. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cây thuốc lá ở các huyện Đông Nam, Gia Lai phát triển rất tốt với chất lượng hàng đầu ở Việt Nam. Vụ năm 2021-2022, thời tiết thuận lợi, cây thuốc phát triển thuốc, ít sâu bệnh, năng suất đạt được 3 tấn/ha, giá bán đạt được từ 50-55 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi gia đình trung bình lãi từ 75 đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, sản xuất lá thuốc lá vẫn còn những khó khăn đang gia tăng theo từng năm, cần được các cấp chính quyền hỗ trợ, giải quyết triệt để để duy trì sự phát triển kinh tế ổn định.
Vấn đề chất đốt: củi là chất đốt chính được sử dụng cho mỗi lò sấy, trung bình một lò sấy một mẻ phải tiêu tốn khoảng 4,5 ster củi, tương đương với từ 3,5 - 4,5 triệu đồng, như vậy một vụ một hộ dân với 10 mẻ sây sẽ phải tiêu tốn 45 ster củi, khoảng 45 triệu đồng. Nếu với diện tích 3500ha thì các huyện Đông Nam của Gia Lai phải mất đến 94.500 ster củi, một con số khủng khiếp về mức độ đốt và ngốn củi của các lò sấy.

 
   
Củi là nguồn chất đốt chính của các hộ dân ở Đông Nam, Gia Lai

Hàng năm, đến thu hoạch thuốc lá, các hộ dân đều có trạng thái căng thẳng khi chuẩn bị nhiên liệu đốt (chủ yếu là củi, một số nơi dùng trấu nhưng ít hơn nhiều), có nhiều hộ phải chuẩn bị củi đốt lò sấy từ nửa năm trước, chủ yếu là củi khai thác từ các cây trồng lâu năm như củi điều, củi tạp có sẵn trong vườn, rẫy...hoặc thu mua từ các nơi khác về với giá cao. Củi rừng hiện nay được tỉnh quản lý chặt chẽ và sẽ bị xử phạt nặng nếu khai thác trái phép. Việc ngày càng khan hiếm chất đốt hàng năm dẫn tới giá thành chất củi tăng cao hàng năm, đến một lúc không xa nữa, sẽ không còn củi để đốt sấy lá thuốc. Các nguồn nguyên liệu được tính đến để thay thế có than, trấu, dầu…tuy nhiên những loại chất đốt này vẫn không có nguồn cung ổn định, hoặc giá thành cao do chi phí vận chuyển từ xa đến vùng Đông Nam này. Qua nhiều lần khảo sát, trao đổi, thăm dò nguyện vọng, người dân đều muốn chuyển đổi mô hình, sử dụng nguồn năng lượng đốt bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường.
Một số công nghệ sấy tại Đông Nam, Gia Lai: Thực tế người dân trên địa bàn các huyện ở đây vẫn sử dụng cách sấy thuốc theo phương pháp truyền thống (truyền nhiệt bằng đối lưu tự nhiên) sử dụng củi hoặc trấu. Lá thuốc được xiên thành ghim để treo lên khi sấy

 
  
Lò sấy thuốc lá truyền thống dùng đối lưu tự nhiên và treo ghim

Theo cách sấy này, củi được đốt tại họng đốt cấp nhiệt vào ống dẫn nhiệt chạy ríc rắc và được đặt dưới đáy của lò sấy, hơi nóng được dẫn trong các ống dẫn nhiệt đó và thoát qua ống khói theo nguyên lý đối lưu nhiệt. Nhiệt  nóng do ống dẫn thoát ra cấp cho buồng sấy và sấy lá thuốc. Lò được thiết kế có các cửa cấp gió tươi ở đáy lò và của thoát ẩm ở đỉnh lò, theo nguyên lý đối lưu tự nhiên, nhiệt nóng sẽ đi từ nơi thấp lên nơi cao, các lá thuốc trong lò sẽ được sấy khô theo đúng quy trình sấy do các Công ty thu mua thuốc lá hướng dẫn.
Với cách sấy này, lá thuốc được ghim lại, treo trên các thanh gác trong buồng sấy, nếu bố trí treo thoáng hợp lý, lá thuốc đươc sấy khá đều và khô sau 4 đến 5 ngày đêm. Tuy nhiên, trong vấn đề năng lượng, cách sấy này tồn tại nhược điểm đó là tổn thất về nhiệt rất lớn, phần nhiệt được sinh ra một phần được hấp thụ và cấp cho buồng sấy, phần còn lại được đẩy hết ra ngoài không khí với lượng nhiệt không nhỏ. Mặt khác, việc dùng củi với số lượng lớn cho lò sấy loại này cũng đang là thách thức với các hộ dân khi tiêu tốn một lượng củi khổng lồ sau mỗi vụ sấy trong điều kiện củi ngày càng khan hiếm, một số lò sử dụng trấu để sấy, tuy nhiên nguồn cung cũng hạn chế và việc sấy dùng trấu rất tốn công sức và thời gian, sức khỏe của người dân.
Loại lò thứ hai đang được dân bắt đầu học hỏi chuyển đổi sử dụng, đó là loại lò sấy dùng bầu đốt cấp nhiệt
. Chất đốt ở đây vẫn là củi, củi cháy, bầu đốt được nung nóng, hệ thống quạt điều nhiệt được bố trí để đưa hơi nóng vào trong buồng đốt, sau khi cấp nhiệt để sấy lá thuốc, gió được hồi về cửa cấp nhiệt nơi có đặt bầu đốt.

 
  
Lò sấy cải tiến sử dụng bầu đốt cấp nhiệt, nhiên liệu đốt vẫn dùng củi đốt

Với cách sấy sử dụng bầu đốt này, sẽ kiểm soát được tốt hơn nhiệt độ trong lò khi chủ động được việc đóng mở cửa buồng đốt và cung cấp chủ động gió tươi đốt củi sẽ điều chỉnh được nhiệt độ trong lò theo quy trình một cách tốt hơn. Quá trình điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ sẽ được hệ thống điện và điều khiển được thiết kế lắp đặt dùng tùy chỉnh theo quy trình sấy. Với lò sấy cải tiến này, nhiệt độ và ẩm độ được điều tiết linh hoạt hơn thông qua việc chủ động cấp gió tươi chứa Oxy vào buồng đốt để gia tăng nhiệt và việc đóng mở các cửa gió tự động cũng giúp điều chỉnh được lượng ẩm theo đúng yêu cầu. Lò sấy này ngoài các ưu điểm trên thì vẫn có nhược điểm, đó là vẫn bị thất thoá
t nhiệt khi nhiệt độ trong buồng sấy thừa bị đẩy qua ống khói ra ngoài, thứ 2 là vẫn sử dụng củi để đốt, do vậy không giúp đảm bảo cho an ninh rừng khi luôn bị đe dọa mỗi vụ sấy lá thuốc lá đến.

 
Củi vẫn là chất đốt chủ yếu của lò sấy cải tiến dùng bầu đốt

 Với yêu cầu không dùng than củi làm nhiên liệu sấy lá thuốc lá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cuối năm 2019, nhóm nghiên cứu và chuyên gia của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ thực hiện các chuyến khảo sát theo nhiệm vụ nghiên cứu về chuyển đổi công nghệ sấy lá thuốc lá không sử dụng than củi do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đặt hàng và UBND tỉnh Gia Lai ký Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 02/06/2020 về việc phê duyệt  triển khai nhiệm vụ nghiên cứu.
Sản phẩm chính được nghiên cứu là mô hình lò sấy là thuốc lá lá vàng đã được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công công nghệ sấy mới sử dụng điện nhiệt hơi, với nhiều tính năng tự động, hoàn toàn thay thế chất đốt là than, củi, trấu. Công suất hiện nay của mô hình lò sấy theo đặt hàng là 1 tấn lá tươi/mẻ, tuy nhiên trên thực tế đã thử nghiệm thành công với công suất 2 tấn lá tươi/mẻ và nếu thay đổi cách xếp lá vào lò thì có thể tăng tới 3 tấn/mẻ. Lò sấy được thử nghiệm nhiều lần tại Krông Pa và các huyện khác cũng như nơi có diện tích trồng thuốc lá lớn như Bắc Sơn, Lạng Sơn. Chất lượng lá thuốc được sấy ra đều được các công ty thu mua thuốc lá lớn như Hòa Việt, BAT, Khánh Việt... đánh giá cao về độ đồng đều về màu sắc và chất lượng tốt cũng như sự đánh giá trực tiếp của người dân tại các huyện Đông Nam, Gia Lai.

 
    
Mô hình thiết bị lò sấy điện nhiệt hơi được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công.
 
Để triển khai được mô hình ra thực tế với công suất lò đáp ứng với tình hình sản lượng trồng cây thuốc lá của bà con, cần phải tiến hành thêm các mẻ sấy thử nghiệm với công suất tăng gấp 2 đến 3 lần. Nếu đáp ứng sấy được lá thuốc lá có chất lượng và chi phí tổng thể của một mẻ sấy là chấp nhận được, thì các hộ dân tại đây sẽ chuyển đổi để giải quyết vấn đề khó khăn khi tìm nguồn nhiên liệu củi đốt và giúp người lao động đảm bảo được sức khỏe khi vận hành các lò sấy trong một thời gian dài.
 
  
Sở KH&CN tỉnh Gia Lai kiểm tra thiết bị vận hành và sản phẩm lá thuốc được sấy
 
Mô hình lò sấy được vận hành đúng thời điểm vụ sấy lá thuốc của bà con tại Krông Pa đã giúp ích rất nhiều cho nhóm nghiên cứu thử nghiệm lò sấy này. Qua quá trình thử nghiệm, lò sấy sẽ được hoàn thiện thêm để triển khai rộng rãi với công suất lò cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân.
 
 
Người dân quan tâm, thăm quan và được tập huấn với lò sấy mới
 
Hiện nay đã có rất nhiều hộ dân quan tâm, tìm hiểu và được giới thiệu và tập huấn sơ bộ cách sử dụng lò sấy công nghệ mới này. Trong tương lai gần, lò sấy thế hệ mới sẽ dần thay thế các công nghệ sấy cũ, giúp tăng chất lượng lá thuốc sấy và có ích bảo vệ rừng khỏi nạn chặt phá rừng làm chất đốt như hiện nay.
Nguồn: Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663