(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khai thác sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo số thông qua phân tích dữ liệu lớn

Ngày 19/10/2022, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã phối hợp với Viện Thông tin khoa học và Công nghệ Hàn Quốc tổ chức hội thảo quốc tế “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số với hạ tầng phân tích dữ liệu lớn”. Hội thảo là cơ hội để các nhóm nghiên cứu, nhà quản lý có góc nhìn về việc ứng dụng hạ tầng phân tích dữ liệu lớn để khai thác sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo số.
Tham dự hội thảo, về phía Ban tổ chức có ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI); Ông Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTI) cùng Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm có: Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ, Viện VKIST, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ; Phó Giám đốc các Sở KH&CN tỉnh Bình Định, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang; Lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); Lãnh đạo Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Phú Thọ và các đại diện của hơn 60 cơ quan quản lý, sở KH&CN các tỉnh thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội và doanh nghiệp trong cả nước.
Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia nhấn mạnh vai trò của dữ liệu lớn và các công cụ hỗ trợ cho quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng chính sách dựa trên thực chứng.
Các công cụ này là những hệ thống phân tích thông tin, dữ liệu lớn, chủ yếu là các thông tin sáng chế/Giải pháp hữu ích (GPHI) tới đây sẽ bổ sung các thông tin phi sáng chế, nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đánh giá được hiện trạng khoa học và công nghệ của đất nước, xu thế phát triển của thế giới, phân tích được các tiềm năng và triển vọng của từng ngành, lĩnh vực, từ đó đề ra các chính sách phù hợp.
Sẽ càng thích hợp hơn khi các công cụ này cho phép hỗ trợ người dùng phân tích hiện trạng, xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cụ thể, hỗ trợ cả cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có công cụ tự động để hỗ trợ quá trình ra quyết định của mình.

 
Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, phát biểu tại hội thảo

Chính vì vậy, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc cùng triển khai Hệ thống Dịch vụ phân tích cạnh tranh COMPAS, một công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn giúp phân tích, đánh giá hiện trạng và xác định xu hướng phát triển của công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, từ đó giúp nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ.
COMPAS đã được KISTI phát triển, triển khai và chứng minh hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc. Hiện nay, COMPAS phiên bản dành cho Việt Nam đã được chuyển giao cho Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để phục vụ cho cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các đơn vị bao gồm Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI), Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác Công nghệ (NIPTECH), Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày một số kết quả khi ứng dụng thanh công cụ COMPAS để hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên hiệu suất phát hiện và phân tích tình huống của công nghệ cạnh tranh toàn cầu dựa trên các nguồn thông tin lớn như các bài báo khoa học, sáng chế, v.v.; Tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới nhưng gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội và đối phó với các mối đe dọa; Sử dụng các mô hình phân tích Cây công nghệ (TechTree); Bằng sáng chế tiềm năng; Xác định đối thủ cạnh tranh; TradeScan; Hồ sơ đối thủ cạnh tranh, tìm kiếm các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực quan tâm; hỗ trợ Trung tâm trong việc đưa ra các báo cáo về xu hướng công nghệ.

 
Ông Nguyễn Công Đức, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, phát biểu tại hội thảo

Trong bài tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Đức (NIPTECH) cũng chia sẻ về các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo số thông qua việc khai thác các dữ liệu sáng chế, gồm có:
- Khai thác thông tin sáng chế: Cung cấp các bản sáng chế phù hợp cho nhu cầu công nghệ cụ thể; Nhận dạng công nghệ, bí quyết công nghệ từ sáng chế, phân tích các ưu điểm và đánh giá khả năng áp dụng sáng chế tại doanh nghiệp; Phân tích thông tin pháp lý của sáng chế/công nghệ để áp dụng công nghệ tại doanh nghiệp.
- Phân tích thông tin sáng chế: Phân tích xu hướng phát triển công nghệ doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu phát triển; Xác định các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường (trong nước và quốc tế); Phân tích hồ sơ công nghệ, năng lực công nghệ của đối thủ cạnh tranh; Phân tích về những thị trường chính trên thế giới mà các đối thủ đang tập trung phát triển; Phân tích xu hướng phát triển công nghệ doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu phát triển; Xác định các đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường (trong nước và quốc tế); Phân tích hồ sơ công nghệ, năng lực công nghệ của đối thủ cạnh tranh; Phân tích về những thị trường chính trên thế giới mà các đối thủ đang tập trung phát triển;
- Tư vấn giải pháp kỹ thuật và phát triển sản phẩm: Khai thác thông tin kỹ thuật tiên tiến (sáng chế/công nghệ); Tư vấn giải pháp kỹ thuật cải tiến quy trình công nghệ, sản xuất, thiết bị; Hỗ trợ chuyển giao và làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm.
- Phát triển, thương mại sản phẩm mới từ sáng chế: Thiết kế, mô phỏng và chế thử sản phẩm mẫu sáng chế; Phát triển sản phẩm mới; Xây dựng phương án thương mại hoá và bảo hộ SHTT.
Sau buổi tập huấn sử dụng công cụ COMPAS, NIPTECH đã ứng dụng công cụ này để phân tích thông tin phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Green Việt Nam, Công ty cổ phần xây dựng Thịnh Phát… và rút ra được một số nhận xét như sau:
 Về phân tích khả năng xâm phạm quyền của sáng chế, phần mềm COMPAS chỉ ra được các sáng chế tương tự và Phần mềm COMPAS chỉ ra được các điểm bảo hộ độc lập có dấu hiệu kỹ thuật tương tự như một sáng chế đã lựa chọn từ trước. Ngoài ra, phần mềm COMPAS cũng giúp phân tích, xác định được đối thủ canh tranh trong cũng lĩnh vực phát triển sản phẩm công nghệ, xác định xu hướng phát triển công nghệ. Đây cũng là một số tính năng rất hay đang được hoàn thiện và phát triển, giúp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo số với phân tích hạ tầng cơ sở dữ liệu lớn trong đó các bản ghi sáng chế giữ vai trò chủ đạo./.
Nguồn: Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663