(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khai thác sáng chế hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

     Với mục tiêu hỗ trợ nông dân cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đầu tháng 07 năm 2021 Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã tổ chức chuyến khảo sát tại các vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng, có địa chỉ tại số 141, khối phố Trần Đăng Ninh, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
     Thành phần đoàn công tác bao gồm: TS. Đỗ Đức Nam – Phó Viện trưởng, ThS. Nguyễn Công Đức – Nghiên cứu viên Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm.

 
                        
                        Hình ảnh máy tuốt gai đang được sử dụng tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng.
                        Nguồn: Công Đức

     Hiện nay, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có hơn 40 ha trồng cây gai lấy sợi, là nguyên liệu đầu vào cho một số công ty trong ngành dệt may tại Việt Nam. Tại đây, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng có hơn 10 ha trồng mẫu thí điểm phát triển vùng nguyên liệu và chịu trách nhiệm thu mua của người dân trồng cây này tại tỉnh Lạng Sơn. Ông Bế Thế Hưng, Giám đốc Công ty Thế Hưng chia sẻ: “Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày công ty Thế Hưng phải chi phí nhân công từ 03 đến 07 triệu đồng cho 1 ngày công, việc tuốt gây gai lấy sợi vẫn gặp nhiều khó khăn, máy tuốt lấy tơ sợi từ cây gai xanh hiện mới được thiết kế và chế tạo chỉ có một họng tuốt, chưa được tự động hoá, lượng thân cây đưa vào một lần rất ít, năng suất không cao. Việc kéo ra và đút lại thân cây gai rất dễ gây tai nạn lao động cho người vận hành. Qua khảo sát và đánh giá của nhóm khảo sát, chất lượng tơ sợi của máy hiện có chưa đảm bảo chất lượng tơ sợi theo yêu cầu của các công ty nhập nguyên liệu dệt may. Các thiết bị chưa được thiết kế tối ưu và mô đun hoá do vậy việc chế tạo hàng loạt và việc bảo trì, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn.
 
                                
                               Hình ảnh tuốt gai của máy tuốt gai đang được sử dụng tại Lạng Sơn. Nguồn: Công Đức

     Nhằm hỗ trợ Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng và những người nông dân trồng cây gai xanh tại Lạng Sơn đạt hiệu quả, đặc biệt trong việc nghiên cứu, thiết kế cải tiến máy tuốt sợi gai hiện nay, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sợi gai được tuốt, Viện SCCN đã tiến hành tra cứu và phân tích các sáng chế, công nghệ nước ngoài, kết quả nghiên cứu cho thấy: có rất nhiều các sáng chế quốc tế về phương pháp và thiết bị tách tơ sợi bộc lộ các thông tin kỹ thuật cũng như các ưu điểm khác nhau đối với thiết bị tách tơ sợi. Ví dụ: sáng chế CN203333820(U) về máy tuốt tơ sợi tự động, sáng chế CN1831239(B) về phương pháp và thiết bị tách tơ sợi từ thân cây, sáng chế CN204625840(U) về máy tách tơ sợi đa chức năng, v.v… Việc phân tích, giải mã, áp dụng các ưu điểm từ các sáng chế này sẽ giúp nhóm nghiên cứu có được những đề xuất cải tiến khá hiệu quả để phục vụ cho quá trình hoàn thiện thiết kế và quy trình chế tạo máy tuốt sợi từ cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh khác có cùng vùng nguyên liệu.
     Do vậy, Viện SCCN đã đề xuất hợp tác với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thế Hưng cùng đổi mới thiết kế và quy trình chế tạo máy tuốt sợi gai phù hợp với điều kiện canh tác của Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung nhằm nâng cao được năng suất và chất lượng sợi gai được tuốt, phục vụ đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu đầu vào của các nhà máy dệt may tại Việt Nam.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663