(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hỗ trợ khai thác thông tin sáng chế phục vụ đổi mới sản phẩm – Chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế của Hàn Quốc

     Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày một gay gắt, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đã và đang nỗ lực tạo sự khác biệt bằng cách đổi mới công nghệ và sản phẩm. Quá trình này có thể dẫn đến những thành tựu rực rỡ, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn với DN. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khai thác thông tin sáng chế (SC) là một công cụ hữu ích mà DN có thể sử dụng để vừa đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sản phẩm, vừa hạn chế được rủi ro do quá trình này đem lại. Tuy nhiên, hiện nay mục đích sử dụng thông tin SC ở DN mới chỉ dừng lại phổ biến ở tránh nghiên cứu trùng lặp (tra cứu, phân tích tình trạng kỹ thuật – prior art) hoặc xây dựng chiến lược nghiên cứu, phát triển (R&D). Việc nghiên cứu khai thác thông tin sáng chế dưới hình thức tra cứu chuyên sâu thường vượt quá khả năng của các DNVVN do lượng thông tin SC là rất nhiều và mỗi lĩnh vực công nghệ lại có các thuật ngữ chuyên môn riêng mà người ngoài ngành có thể không biết đến.
     Để giúp các DN, đặc biệt là DNVVN, vượt qua được những khó khăn nêu trên, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai chương trình hỗ trợ đổi mới sản phẩm thông qua nghiên cứu khai thác thông tin SC. Mục tiêu của chương trình là tăng cường và nâng cao năng lực sử dụng thông tin SC trong DNVVN nhằm gia tăng lợi nhuận, qua đó khuyến khích tăng cường tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và tạo ra tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) mới. So với các dịch vụ tư vấn SHTT khác chỉ tập trung vào ngăn chặn vi phạm bản quyền, ưu điểm nổi bật của chương trình là hỗ trợ DN sử dụng các bằng SC từ các lĩnh vực công nghệ khác nhau để giải quyết các vấn đề cần cải tiến của sản phẩm (ví dụ: vấn đề về kỹ thuật, cấu trúc sản phẩm...) từ đó đạt được hiệu quả tối đa về kỹ thuật, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thông qua phân tích nhu cầu người tiêu dùng, xu hướng thị trường v.v..
     Chương trình do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ gồm 2 phần chính như sau:
     1. Tư vấn hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm mới được phát triển từ bằng SC
     Phần này nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm các ý tưởng cho phát triển sản phẩm mới đồng thời tìm kiếm giải pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm thông qua nghiên cứu khai thác thông tin, bí quyết công nghệ ẩn chứa trong các bằng SC. Đội ngũ tư vấn của chương trình bao gồm các chuyên gia về bằng SC, chuyên gia về thiết kế và chuyên gia từ các lĩnh vực công nghệ khác nhau.  Do việc tra cứu, phân tích dữ liệu được tiến hành trong lĩnh vực bằng SC gồm hàng triệu bản mô tả nên cần chuyên gia hiểu biết về nhiều lĩnh vực công nghệ và đặc biệt cần kỹ năng tra cứu thông tin chuyên sâu về bằng SC. Vì vậy, quá trình lựa chọn chuyên gia phụ trách là một quá trình đặc biệt nghiêm ngặt và có tính chọn lọc cao để đảm bảo sự thành công của chương trình và hiệu quả hỗ trợ.
     Trong chương trình, các chuyên gia về bằng SC sẽ đóng vai trò: (i) cung cấp ý tưởng; (ii) tiến hành xác minh sơ bộ về hướng đổi mới sản phẩm với các chuyên gia TRIZ; và (iii) phụ trách đăng ký SC cho sản phẩm để hỗ trợ cho quá trình thương mại hóa sản phẩm sau này. Trên cơ sở nhu cầu của DN, các chuyên gia TRIZ sẽ đưa ra ý tưởng sáng tạo dựa trên nguồn ý tưởng được đề xuất của các chuyên gia về bằng SC. Ý tưởng được chọn sẽ được đánh giá toàn diện về khả năng áp dụng thực tiễn, khả năng được cấp bằng SC, và khả năng vi phạm các bằng SC khác để xây dựng chiến lược SC hoặc lộ trình phát triển công nghệ, sản phẩm sao cho phù hợp với chiến lược kinh doanh của DN. Song song với đó, hệ thống quản lý SHTT trong DN cũng được thiết lập và hoàn thiện để DN có thể tự thực hiện các chiến lược hoặc lộ trình đó.
     2. Hỗ trợ phát triển thiết kế sản phẩm
     Đối tượng chính của phần này là những sản phẩm đã sẵn sàng để thương mại hóa (hướng trọng tâm vào người tiêu dùng) nên các hoạt động hỗ trợ tập trung vào nghiên cứu thiết kế để cải thiện công năng của sản phẩm dựa trên kết quả khảo sát người tiêu dùng, nhằm mục tiêu mở rộng thị trường và gia tăng lợi nhuận cho DN. Quá trình hỗ trợ thiết kế sản phẩm gồm 4 giai đoạn, đó là phân tích môi trường kinh doanh (bao gồm cả phân tích đối thủ cạnh tranh, xu hướng thiết kế, xu hướng công nghệ...), thiết lập chiến lược thiết kế, phát triển ý tưởng và phát triển thiết kế.
     Quản lý và điều phối chương trình là một đơn vị công lập do chính phủ Hàn Quốc chỉ định. Đối tượng được hỗ trợ là các DNVVN thoả mãn ít nhất một trong số những điều kiện sau đây:
          - có bằng SC;
          - muốn duy trì hoặc mở rộng thị phần trong nước/nước ngoài bằng cách sử dụng bằng SC;
          - muốn bảo vệ lĩnh vực kinh doanh của mình hoặc loại trừ đối thủ cạnh tranh;
          - muốn giảm chi phí bằng SC hoặc kiếm lợi nhuận từ tài sản SHTT;
          - đang cố gắng triển khai việc kinh doanh mới hoặc thiết lập các kênh tiếp thị bằng cách phối hợp với nguồn lực bên ngoài; và
          - muốn nhận hỗ trợ tài chính dựa trên tài sản SHTT mà DN sở hữu.
     Kinh phí thực hiện chương trình phần lớn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua đơn vị công lập được chỉ định ở trên với mức tài trợ từ 70% đến 90% cho mỗi DNVVN được lựa chọn, phần còn lại do DNVVN tự chi trả và thường phụ thuộc vào doanh thu của DNNVV. Tỷ lệ đối ứng giữa hai bên có thể thay đổi tùy thuộc vào doanh thu của DNVVN.

Tài liệu tham khảo
1. KIPA, Guidebook for SMEs’ business cycle, 2017.
2. Thanh Huyền, Sáng tạo theo trường phái TRIZ, Trung tâm Đào tạo Đại cương, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu
    
https://bvu.edu.vn/web/gtsd/-/sang-tao-theo-truong-phai-triz
Nguồn: Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hoá sáng chế./.

 

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663