Với niềm đam mê phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, TS. Bùi Đình Tú cùng nhóm nghiên cứu (Đại học Công nghệ- Đại Học Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm giúp kích thích khả năng tăng trưởng cho cây mà không cần sử dụng chất kích thích. Được sự hỗ trợ, tư vấn của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (NIPTECH), kết quả nghiên cứu "Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm" của TS. Bùi Đình Tú đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích (GPHI) số 2-0002827 B và được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp số 407 tập b - quyển 1.
Hiện nay trong nông nghiệp, để kích thích sự phát triển của cây trồng thường áp dụng kỹ thuật bón phân hoặc phun các chất kích thích sinh trưởng lên cây trồng. Tuy nhiên, các phương pháp này gây ô nhiễm môi trường do tồn dư hóa chất trong cây trồng, đất và nước. Chính vì vậy, TS. Bùi Đình Tú và các cộng sự tại Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, thuộc Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu phát triển “Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm” phù hợp với sự sinh trưởng và hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của cây trồng trong điều kiện khí hậu của Việt Nam. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED có khả năng kích thích quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng trong nhà kính, gồm có rau, rau mầm họ đậu như đậu xanh, đậu tương, đậu đen, rau mầm họ cải như củ cải trắng, củ cải đỏ, củ cải ngọt, mầm rau muống và mầm hướng dương.
Trưởng nhóm nghiên cứu - TS. Bùi Đình Tú cho biết: “Phương pháp này nhằm cung cấp ánh sáng giúp cây trồng có thể quang hợp để phát triển. Trong đó, hệ thống sử dụng đèn sợi đốt chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu suất phát quang thấp và 95% phát ra nhiệt năng nên thường tốn điện, tuổi thọ rất thấp. Còn đèn huỳnh quang có ưu điểm hơn đèn sợi đốt nhưng tiêu hao điện năng, dễ cháy nổ và chứa hơi thủy ngân, ánh sáng phát không đều… Do vậy, nhóm tác giả đã có cải tiến đối với hệ thống đèn chiếu sáng trong nông nghiệp với những loại đèn LED chuyên dụng cho phép chiếu sáng với các dải ánh sáng phổ hẹp, với các bước sóng giúp cây trồng quang hợp một cách tốt nhất”. [1]
Trưởng nhóm nghiên cứu - TS. Bùi Đình Tú cho biết: “Phương pháp này nhằm cung cấp ánh sáng giúp cây trồng có thể quang hợp để phát triển. Trong đó, hệ thống sử dụng đèn sợi đốt chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu suất phát quang thấp và 95% phát ra nhiệt năng nên thường tốn điện, tuổi thọ rất thấp. Còn đèn huỳnh quang có ưu điểm hơn đèn sợi đốt nhưng tiêu hao điện năng, dễ cháy nổ và chứa hơi thủy ngân, ánh sáng phát không đều… Do vậy, nhóm tác giả đã có cải tiến đối với hệ thống đèn chiếu sáng trong nông nghiệp với những loại đèn LED chuyên dụng cho phép chiếu sáng với các dải ánh sáng phổ hẹp, với các bước sóng giúp cây trồng quang hợp một cách tốt nhất”. [1]
Thực nghiệm nghiên cứu hệ thống chiếu sáng cho rau mầm
Đồng hành cùng TS. Bùi Đình Tú và các cộng sự, ngay từ khi nghiên cứu có những kết quả đầu tiên, NIPTECH đã hỗ trợ nghiên cứu phân tích cơ sở dữ liệu sáng chế trên thế giới có liên quan, hỗ trợ nhóm tác giả xây dựng nội dung và các yêu cầu bảo hộ trong bản mô tả sáng chế nhằm đảm bảo phạm vi bảo hộ đồng thời nâng cao khả năng bảo hộ. Với quá trình làm việc, trao đổi tích cực và nhanh chóng giữa nhóm nghiên cứu và NIPTECH, “Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm” đã được nộp cho Cục SHTT vào ngày 30 tháng 08 năm 2019 và đến ngày 24 tháng 01 năm 2022 đã được cấp bằng độc quyền GPHI số 2-0002827B. Hiện nay, NIPTECH đang đồng hành và tư vấn hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu này cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Nhóm tác giả cũng đang tiếp tục thực hiện các cải tiến về mặt kỹ thuật và giao diện của hệ thống để sẵn sàng cho việc chuyển giao công nghệ, cũng như tư vấn về cách lắp đặt tốt nhất cho các đối tác.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ với Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (số điện thoại: 0243.943.9663)./.
--------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] UET-News, Kích thích tăng trưởng cây rau mầm bằng hệ thống chiếu sáng thông minh.
Nguồn: Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích sáng chế./.