(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Fintech – Làn sóng công nghệ làm thay đổi tài chính thế giới

   Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ và tạo ra những biến chuyển trên nhiều lĩnh vực xã hội. Đối với lĩnh vực tài chính, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rõ rệt, thể hiện ở sự xuất hiện của Fintech – Công nghệ tài chính. Fintech đã và đang làm thay đổi cách thức, địa điểm và thời gian người tiêu dùng thực hiện thanh toán, cũng như tạo thuận lợi để người tiêu dùng có thể tiếp cận tới nhiều loại hình dịch vụ tài chính, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội.
Hình 1. Công nghệ tài chính

     Fintech là dạng viết tắt của cụm từ “financial technology”, được hiểu là sự kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Cụ thể, Fintech sẽ có thể dùng bằng điện thoại thông minh, thiết bị có kết nối Internet, phần mềm mã nguồn, điện toán đám mây với mục đích cải thiện hiệu suất làm việc trong lĩnh vực đầu tư, ngân hàng.
Các công ty trong ngành công nghiệp Fintech có thể được chia thành 04 phân khúc chính dựa theo các mô hình kinh doanh đặc thù của họ, bao gồm:
  • Phân khúc huy động vốn của Fintech là lĩnh vực giúp huy động vốn cho các cá thể tư nhân lẫn doanh nghiệp
  • Phân khúc Quản lý tài sản bao gồm các công ty Fintech cung cấp tư vấn, xử lý và quản lý tài sản và các chỉ số tổng hợp về mức độ giàu có cá nhân.
  • Phân khúc thanh toán là một thuật ngữ rộng áp dụng cho các công ty Fintech có các ứng dụng và dịch vụ liên quan tới giao dịch thanh toán trong nước và quốc tế.
  • Các loại hình Fintech khác
Hình 2. Bốn phân khúc chính và các phân đoạn nhỏ (Nguồn: Tổng luận KH&CN)

     Để hiểu được những động lực cạnh tranh và hợp tác trong đổi mới sáng tạo Fintech, trước hết cần phải phân tích hệ sinh thái. Một hệ sinh thái Fintech ổn định là công cụ hữu hiệu để phát triển ngành công nghệ Fintech. Hai nhà nghiên cứu In Lee và Yong Jae Shin của trường Đại học Indiana đã xác định năm yếu tố của hệ sinh thái Fintech như sau:
- Các start-up Fintech: các công ty Fintech thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn từ cộng đồng, thị trường vốn và bảo hiểm-insurtech
- Các nhà phát triển công nghệ: phân tích big data, điện toán đám mây, tiền điện tử và các nhà phát triển phương tiện truyền thông xã hội
- Chính phủ: các nhà quản lý tài chính và cơ quan lập pháp
- Khách hàng tài chính: cá nhân và tổ chức
- Các tổ chức tài chính truyền thống: các ngân hàng truyền thống, công ty bảo hiểm, các hãng môi giới chứng khoán, các công ty và nhà đầu tư mạo hiểm
     Tất cả những yếu tố này hợp lại đóng góp vào đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nền kinh tế, tạo điều kiện hợp tác và cạnh tranh trong ngành tài chính và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.
Hình 3. Năm yếu tố của hệ sinh thái Fintech (Nguồn: Tổng luận KH&CN)

     Một đặc điểm rất đặc biệt của Fintech là phát triển mạnh ở cả hai thị trường phát triển và đang phát triển. Ví dụ, một trong những công ty Fintech đắt giá nhất trên thế giới là Lufax - công ty đi đầu trong lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc. Trong khi đó, một trong những công ty Fintech có tốc độ tăng trưởng chóng mặt nhất nhờ số người đăng ký là M-Pesa - một hệ thống thanh toán dựa trên điện thoại di động của châu Phi. Mới đây, Stripe – một công ty Fintech đắt giá nhất thung lũng Silicon Valley, vừa quyết định chọn Dubai làm bàn đạp để tiếp cận thị trường Trung Đông và Bắc Phi.
     Tại Việt Nam, mặc dù mới xuất hiện từ năm 2008 với 9 doanh nghiệp đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nhưng những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech. Đến nay, ước tính đã có hơn 150 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, chủ yếu mới tập trung ở dịch vụ thanh toán, cho vay ngang hàng và blockchain/cryptocurrency.

 
Hình 4. Hệ sinh thái Fintech Việt Nam 2021 

     Mặc dù tỷ trọng các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán đã giảm so với toàn thị trường nhưng với việc chiếm tới 31% trên tổng số lượng doanh nghiệp hiện có, đây vẫn được coi là lĩnh vực chủ đạo. Tiếp nối ngay sau đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng chiếm 17% và blockchain/ cryptocurrency chiếm 13%.
Hình 5. Thị trường Fintech Việt Nam 2021

     Theo báo cáo FinTech ASEAN 2021 cho thấy, vốn đầu tư vào fintech ASEAN đạt kỷ lục hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam chiếm 9% trong tổng số 167 thương vụ, với số tiền tài trợ là 388 triệu USD, nổi bật là 250 triệu USD vào VNPay - nhà cung cấp giải pháp thanh toán di động cho các ngân hàng và doanh nghiệp, và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series D của MoMo.
Có thể thấy, các công ty Fintech tại Việt nam hiện nay đang tận dụng tốt ưu thế của mình, cùng với sự đồng hành của chính phủ, đây hứa hẹn sẽ là “cuộc cách mạng lớn” về tài chính thời đại 4.0.
-------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
  1. https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2018/tl9_2018.pdf
  2. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-fintech-viet-nam-2021-tiem-nang-cua-cong-nghe-dau-tu-tai-chinh-20211108131226658.htm
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663