(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cơ chế thử nghiệm – Những điều cần biết

Cơ chế thử nghiệm (CCTN) là một môi trường, một khuôn khổ thể chế thử nghiệm, một không gian thử nghiệm trực tiếp, một công cụ chính sách và hỗ trợ tùy chỉnh, thuận lợi với khung chính sách riêng, được cơ quan quản lý nhà nước thiết lập để các công ty, tổ chức tiến hành thử nghiệm trực tiếp ở quy mô nhỏ các sản phẩm/dịch vụ hay mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo (ĐMST)/giải pháp công nghệ của họ, chủ yếu là trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi và nhiều tiềm năng, với sự giám sát và quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có liên quan. CCTN có giới hạn về thời gian (thử nghiệm diễn ra trong khoảng thời gian xác định), địa lý (trong vùng, quốc gia, xuyên quốc gia) và phạm vi của lĩnh vực hoạt động.
 

Theo Ngân hàng thế giới, các CCTN được phân thành 4 loại, tùy vào các mục tiêu khác nhau của chúng trong thực tế:
- CCTN tập trung vào chính sách: các CCTN này sử dụng quy trình CCTN để đánh giá các quy định hoặc chính sách cụ thể.
- CCTN tập trung vào sản phẩm hoặc ĐMST: các CCTN này khuyến khích ĐMST bằng cách giảm chi phí gia nhập thị trường, cho phép các công ty kiểm tra khả năng tồn tại trên thị trường của các mô hình kinh doanh mới.
- CCTN chuyên đề: CCTN loại này tập trung vào một chủ đề đã được xác định với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng một chính sách hoặc ĐMST cụ thể hoặc hỗ trợ phát triển một phân ngành cụ thể hoặc thậm chí các sản phẩm cụ thể nhằm vào các phân khúc khách hàng cụ thể.
- CCTN xuyên biên giới: CCTN xuyên biên giới hoặc đa khu vực pháp lý hỗ trợ hoạt động và di chuyển xuyên biên giới của các công ty, đồng thời khuyến khích sự hợp tác của cơ quan quản lý và giảm sự khác biệt về luật lệ.
CCTN có thể có nhiều lợi ích khác nhau, tùy theo từng loại hình và mục đích CCTN. Một CCTN thành công đem lại những loại ích chính sau đây:
Đối với các công ty, tổ chức có sản phẩm/dịch vụ ĐMST tham gia CCTN: Thúc đẩy sản phẩm/dịch vụ/mô hình kinh doanh ĐMST sớm ra thị trường hơn với chi phí thấp hơn; Tiếp cận tài chính tốt hơn; Xây dựng và thúc đẩy quan hệ đối tác.
Đối với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách: Giảm sự không chắc chắn trong quy định; Tín hiệu thân thiện với thị trường (thúc đẩy ĐMST và cạnh tranh) và gia tăng uy tín của cơ quan quản lý; Lợi ích về các mục tiêu chính sách tiềm năng; Tiềm năng nâng cao năng lực quản lý và kiến thức của người ĐMST.
Đối với người tiêu dùng: CCTN dẫn đến kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng, chẳng hạn nhiều chọn lựa sản phẩm và dịch vụ hơn, được phục vụ tốt hơn, giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, CCTN vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro như:
 - Khi cơ quan quản lý tăng cường các ưu tiên các nguồn lực khan hiếm sang CCTN, họ có thể giảm quan tâm đến các cách tiếp cận thúc đẩy ĐMST khác đôi khi hiệu quả hơn CCTN;
- Có thể không công bằng nếu các tiêu chí lựa chọn người tham gia được xác định một cách mơ hồ hoặc thiếu minh bạch dẫn đến sai lệch lựa chọn;
- Tạo ra nhận thức rằng CCTN là cánh cửa đầu vào duy nhất cho ĐMST bằng cách chỉ cho một nhóm hạn chế các nhà ĐMST hưởng lợi;
- Không thiết lập và thực thi các biện pháp bảo vệ hiệu quả cho khách hàng và những người tham gia thị trường có thể bị tác động tiêu cực bởi thử nghiệm;
- Không đảm bảo đủ nguồn lực cho vận hành CCTN;
- Phát sinh các chi phí không lường trước và trách nhiệm pháp lý do tác động tiêu cực của các thử nghiệm;
- Tạo ra nhận thức rằng sau khi thử nghiệm thành công trong CCTN, các sản phẩm/dịch vụ ĐMST không còn có rủi ro hoặc sẽ không có rủi ro khi được đưa ra thị trường lớn và được cơ quan có thẩm quyền đảm bảo;
- Có thể gây tổn hại đến uy tín của cơ quan quản lý do xảy ra các rủi ro đã nêu ở trên.
Trong giai đoạn 2016-2021 Việt Nam mới chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một CCTN là taxi công nghệ và Mobile Money. Đến nay, các CCTN vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam dù khái niệm này được biết đến từ nhiều năm qua. Theo một số chuyên gia, lý do đầu tiên Việt Nam chưa có CCTN là bởi đây là lĩnh vực mới chưa có tiền lệ. Nhưng thứ hai, quan trọng hơn, là bản thân những đơn vị xây dựng CCTN cũng ngại rủi ro cho chính mình. Do đó, cần sớm có một khuôn khổ, một quy chuẩn cho CCTN để tránh nguy cơ các vấn đề phát sinh vượt tầm kiểm soát đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia CCTN.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663