(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chuyển đổi số - Chiến lược phát triển chuyển đổi số

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là một quá trình, do đó, để thực hiện quá trình này đòi hỏi phải xác định được kế hoạch chi tiết và xây dựng một chiến lược rõ ràng.
 

Các tổ chức triển khai chuyển đổi số cần phải thực hiện sự đổi mới và hiệu quả trong tầng lõi của tổ chức, thực hiện các hoạt động làm thay đổi cách thức vận hành của tổ chức truyền thống, do đó, chiến lược chuyển đổi số cần một số thành phần cơ bản phải đưa vào chiến lược.
1. Chiến lược và Lãnh đạo
Chuyển đổi số trước tiên là việc của người đứng đầu. Vì vậy, việc thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào người điều hành, lãnh đạo của tổ chức, doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có những tố chất nhất định khi triển khai chuyển đổi số. Cụ thể:
- Nhà lãnh đạo nhạy bén với sự thay đổi
- Là những người tạo ra sự thay đổi có mục đích
- Tầm nhìn xa trông rộng
- Người chấp nhận rủi ro và người thử nghiệm tiên phong
- Tạo lập quan hệ đối tác
2. Thay đổi văn hóa và giao tiếp
Chuyển đổi số cần sự sẵn sàng sự thay đổi văn hóa lớn. Thông thường, khách hàng và nhân viên của một tổ chức không muốn có những thay đổi lớn, điều này khiến cho việc thực hiện chuyển đổi số trở nên khó khăn. Văn hóa là nền tảng quan trọng của bất kỳ chương trình chuyển đổi số thành công nào. Do đó, sự chuẩn bị thay đổi văn hóa cho cán bộ, nhân viên sẽ làm cơ sở để đạt được thành công của chuyển đổi số. Để làm điều này, cần thực hiện:
- Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên về chiến lược chuyển đổi số và nó sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho mọi bên liên quan.
- Tiến hành đào tạo cán bộ, nhân viên để chuẩn bị trước tinh thần thực hiện.
- Chỉ ra mức độ cần thiết của việc gắn kết văn hóa với các sáng kiến ​​mới.
3. Tối ưu hóa các quy trình
Mọi hoạt động đều liên quan đến nhiều quy trình và hoạt động có thể được chuyển đổi để làm cho quy trình công việc trơn tru và dễ dàng hơn. Do đó, phải tối ưu hóa quy trình hoạt động trong khi xây dựng chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số.
Chiến lược phải đảm bảo tối ưu hóa quy trình hoạt động đồng thời đáp ứng các mục tiêu đặt ra cho khách hàng cũng như cho đội ngũ nội bộ. Tất cả các quy trình kinh doanh được kết nối với nhau phải được đề cập trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, để có thể đạt được sản lượng tối đa.
Cùng với việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, cũng phải tận dụng tốt những dữ liệu đã thu thập được trong lịch sử.
4. Dữ liệu số
Một trong những lý do chính đằng sau việc áp dụng chuyển đổi số là để loại bỏ những vấn đề, hạn chế đang tồn tại trong hoạt động của tổ chức, cán bộ, nhân viên cũng như khách hàng.
Phân tích và tích hợp dữ liệu có thể giúp xác định các vấn đề khó khăn, những hạn chế của tổ chức. Một số quan điểm sai lầm là chọn công nghệ ưa thích trước khi phân tích dữ liệu khi xây dựng chiến lược chuyển đổi. Nếu không phân tích dữ liệu, chúng ta có thể biết những vấn đề nảy sinh trong nội bộ nhưng dễ dàng bỏ qua những vấn đề nảy sinh khi quan hệ với các đơn vị, khách hàng bên ngoài. Phân tích dữ liệu và lưu chuyển các kết quả của có thể giúp xác định các giải pháp tốt nhất cho các vấn đề, do đó dẫn đến việc soạn thảo một chiến lược chuyển đổi số tốt hơn và tận dụng tốt nhất quá trình chuyển đổi.
5. Công nghệ số
Các định các công nghệ phù hợp cho tổ chức là một trong những bước quan trọng nhất trong khi soạn thảo chiến lược chuyển đổi số. Việc triển khai các công nghệ số vào tổ chức sẽ đòi hỏi đầu tư tài chính lớn. Do đó, để tránh phát sinh kinh phí, thì điều này phải được thực hiện một cách chính xác.
Chiến lược chuyển đổi số hiệu quả cần các lựa chọn công nghệ số phù hợp với ngân sách của tổ chức để đáp ứng các yêu cầu cần thiết tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phải phù hợp với việc xử lý cập nhật các hệ thống cũ và hiện đại hóa ứng dụng hay triển khai các hệ thống kỹ thuật số mới, đảm bảo tính chất kế thừa, liên tục.
Các công nghệ cơ bản chuyển đổi số bao gồm: Công nghệ di động; IoT; Song sinh kỹ thuật số - Digital Twin; Rôbot; Điện toán đám mây; Trí tuệ nhân tạo; Thực tại ảo tăng cường….
6. Tổ chức thực hiện
Chuyển đổi số không phải là việc đầu tư bổ sung công cụ, phần mềm, hệ thống. Đó là việc tổ chức thực hiện để thay đổi tổ chức trên cơ sở công nghệ số. Vì vậy, tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi. Trong chuyển đổi số, đòi hỏi phải tổ chức các nhóm thực hiện sau:
- Nhà lãnh đạo
- Nhân viên nghiệp vụ
- Nhân viên chuyên trách chuyển đổi số
Việc triển khai tổ chức các nhóm phụ thuộc vào định hướng và giải pháp trong chiến lược chuyển đổi số. Việc tổ chức các nhóm cũng cần linh hoạt để dễ dàng thay đổi phù hợp với các hoạt động của chiến lược.
7. Kết quả đầu ra
Kết quả chuyển đổi số của tổ chức bị ảnh hưởng bởi định hướng chiến lược được đề ra. Một trong những yếu tố cơ bản là kết quả đầu ra phải được định hình rõ ràng khi thiết lập chiến lược và đảm bảo yếu tố logic với các phương pháp triển khai, các công nghệ lựa chọn. Tuy nhiên, chuyển đổi số là mới và chưa có tiền lệ, do đó việc định hình đầu ra có thể khó khăn. Vì vậy, phải có các phương án linh hoạt để đánh giá và xem xét, điều chỉnh kết quả kịp thời.
Sự linh hoạt là chìa khóa thành công cho chiến lược chuyển đổi số. Việc phải tuân theo chiến lược chuyển đổi số đã xây dựng là cần thiết, nhưng cũng phải sẵn sàng đón nhận những thay đổi nếu nó không diễn ra theo cách mong đợi.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663