Trong dịp đầu năm 2019, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Thành – “Nhà sáng chế không chuyên của tỉnh Bắc Giang”, tác giả của đề xuất giải pháp “Cảnh báo lũ, nước ngập, vỡ đê, sạt lở đất, cảnh báo sóng biển lớn, sóng thần... bằng tín hiệu pháo hiệu”, đồng thời là Giám đốc công ty TNHH MTV Cơ khí Tuyết Thành có trụ sở tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang để nghiên cứu tìm biện pháp hỗ trợ.
Về phía Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) có sự tham gia của ông Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng và các cán bộ chủ chốt phụ trách các bộ phận chuyên môn của Viện như Trung tâm Mô phỏng công nghệ và phát triển sản phẩm, Trung tâm Thống kê dữ liệu và phân tích sáng chế.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thành (thôn Cầu, xã Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang)
- người có nhiều phát minh sáng chế trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp đã chia sẻ với Viện SCCN các sản phẩm đã được ông phát triển và thương mại hóa thành công trong nhiều năm qua. Các sản phẩm của ông được thị trường trong nước và quốc tế (Lào, Úc...) đón nhận. Một số sáng chế nổi bật có thể kể ra như: công cụ sạ lúa thường; công cụ sạ lúa hàng rộng, hàng hẹp; máy tuốt lạc; máy tuốt hoa cúc; máy thái sắn, máy tẻ hạt ngô; máy thái rau, cỏ, cây rừng; máy gọt củ năng suất cao...
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ thêm một trong các giải pháp mới của ông nhằm giải quyết vấn đề xuất phát từ thực tế là: “Hiện nay, việc cảnh báo trong thiên tai: lũ ống, lũ quét, nước dâng, sóng thần, sạt lở núi...chưa có những thiết bị cảnh báo kịp thời và hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại và tài sản". Từ thực tế đó, ông đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp: "Cảnh báo lũ, nước ngập, vỡ đê, sạt lở đất, cảnh báo sóng biển lớn, sóng thần... bằng TÍN HIỆU PHÁO HIỆU". Hiện trạng về giải pháp này đã được gửi dự thi sáng chế năm 2018 và nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích cho Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi trao đổi về mặt chuyên môn, Viện SCCN đã có góp ý và tư vấn ban đầu nhằm hỗ trợ ông Nguyễn Đức Thành hoàn thiện giải pháp và cách thức thương mại hóa giải pháp này.
Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ về một trong các giải pháp mới với đại diện Viện SCCN. Ảnh: Hà Thương
Hai bên cũng nhất trí là Viện SCCN sẽ hỗ trợ ông nghiên cứu hoàn thiện giải pháp và triển khai chế tạo mô hình thực tế phục vụ việc thương mại hóa. Từ mô hình thực tế, các cơ quan chức năng cũng như các nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu quả của giải pháp để triển khai nhân rộng nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
Ngoài ra, Viện SCCN sẽ cử chuyên gia về địa phương để khảo sát thực trạng và đánh giá tính khả thi của giải pháp. Qua đó, Viện sẽ có lộ trình hỗ trợ cụ thể từ tìm kiếm các sáng chế có liên quan phục vụ cho việc hoàn thiện giải pháp, xây dựng bản mô tả sáng chế, hoàn thiện thiết kế và lên phương án chế tạo mẫu thử nghiệm cũng như các quy trình đo kiểm, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của sản phẩm mẫu.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thành gửi lời cảm ơn đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã kịp thời tiếp nhận đề xuất của ông và tổ chức buổi làm việc hiệu quả, chu đáo. Hai bên cùng sắp xếp lịch công tác tại địa phương trong thời gian tới để cùng nhau triển khai những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực cơ khí liên quan đến máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Từ các ý tưởng của nhà sáng chế, Viện SCCN cam kết sẽ hỗ trợ triển khai, phát triển ý tưởng để hoàn thiện sáng chế và các sản phẩm từ mẫu sáng chế
- sáng kiến.
Nguồn: Niptex