Các nhà khoa học quốc tế ngày 17-8 cho biết họ tạo ra mô hình vật lý não nhân tạo có khả năng "tự học hỏi", mở ra một hướng mới trong phát triển trí tuệ nhân tạo.
Trong một tuyên bố, nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học Nga, Đức, Bulgaria, Ukraine, Belarus và Kazakhstan, làm việc tại Phòng thí nghiệm ĐH Tomsk (Siberia, Nga), nói bộ não nhân tạo vừa chế tạo ra "có khả năng học hỏi và phản ứng lại môi trường".
"Đầu tiên, chúng tôi xây dựng mô hình toán học và máy tính của bộ não con người", trưởng phòng thí nghiệm Vladimir Syryamkin giải thích, RT trích đăng.
"Sau đó chúng tôi tạo ra một thiết bị điện tử được trang bị các neuron, có khả năng xử lý thông tin đa dạng (video, âm thanh...). Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để thiết lập hệ thống robot cơ bản, đó là một trung tâm điều khiển thông minh".
Theo ông Syryamkin, mô hình não nhân tạo này sẽ đón nhận các kích thích bên ngoài như ánh sáng, âm thanh... Qua vài lần thử nghiệm và sai lầm, nó sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp giúp chống lại sự tác động của các kích thích đó.
Ví dụ khi tiếp xúc với nguồn ánh sáng, đầu tiên nó sẽ thử quay đi, nếu làm vậy không có tác dụng nó sẽ di chuyển khỏi chỗ có ánh sáng. Nếu không tìm ra giải pháp thích hợp, các neuron sẽ ở trong trạng thái bị kích thích. Và mỗi lần ra một quyết định, "bộ não" này đều nhớ và sẽ sử dụng trong các tình huống tương tự.
Nhóm nghiên cứu cho biết mục tiêu cuối cùng của họ là tạo ra não nhân tạo ở dạng sinh học. Họ hi vọng não nhân tạo thông minh của mình sẽ được ứng dụng trong ngành y như giúp các bệnh nhân bị mất trí.
Ngoài ra, họ cũng hi vọng sẽ tích hợp não nhân tạo vào hệ thống robot và máy tính mô phỏng não bộ con người.
Nguồn: Tuổi trẻ Online