Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến hơn 13,7 triệu USD từ nguồn vay ODA của Hàn Quốc.
Những ích lợi mà dự án mang lại cho cộng đồng cư dân bốn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy là hết sức to lớn. Dự án không chỉ góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh biên giới quốc gia; thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao cho người dân sống ở vùng điện lưới quốc gia không đến được, đặc biệt là người nghèo và nhóm người có thu nhập thấp; đảm bảo cho người dân trong vùng dự án có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn, làm cơ sở cho triển vọng nâng cao thu nhập trong tương lai; góp phần tích cực vào giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là chương trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, đây là dự án đặc biệt quan trọng, đầy tính nhân văn vì mục đích phục vụ cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số sống xa các trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Bình.
Ông Lim Tae Seong, đại diện đơn vị thi công của Tập đoàn KT (Hàn Quốc) khẳng định, sẽ đáp ứng tốt nhất những yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng công trình cũng như thời gian và tiến độ hoàn thành dự án.
Nhận thức được những ích lợi mà các cộng đồng dân cư sẽ được nhận khi dự án hoàn thành, chính quyền các xã nơi được chọn xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án đã vận động người dân tự nguyện hiến đất để sớm bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.
Dự kiến đến cuối năm nay, dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời Quảng Bình sẽ hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng khoảng 30% khối lượng hợp đồng và phần còn lại chậm nhất đến quý 4/2016 sẽ hoàn thành.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng