Hệ thống phơi sấy cá sặc rằn ứng dụng năng lượng mặt trời do ThS. Phan Văn Hiệp và nhóm cộng sự thiết kế. Ảnh: nongnghiep.vn
Hệ thống được thiết kế kiểu giàn phơi 3 mặt phẳng, giúp tăng năng suất phơi sấy lên gấp 3 lần. Các vỉ phơi được thiết kế với các chốt chặn lò xo ở 4 góc...
Đó là thiết bị chuyên sấy cá sặc rằn ứng dụng năng lượng mặt trời với nguyên lý hiệu ứng nhà kính do ThS. Phan Văn Hiệp cùng nhóm cộng sự, gồm PGS.TS Bùi Văn Miên, ThS Đinh Thị Tâm, ThS Phan Thị Chiêu Mỹ (VHU), Đại học Văn Hiến (TP.HCM) và ThS Đào Duy Liêm, ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) nghiên cứu, sáng chế thành công.
Hệ thống được thiết kế kiểu giàn phơi 3 mặt phẳng, giúp tăng năng suất phơi sấy lên gấp 3 lần. Các vỉ phơi được thiết kế với các chốt chặn lò xo ở 4 góc giúp giữ cho cá khi khô dần không bị xô lệch trong quá trình giàn phơi quay làm ảnh hưởng cảm quan của sản phẩm.
Việc đảo cá được thực hiện tự động bằng cách điều khiển giàn phơi quay với tốc độ phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm cảm biến được bên trong buồng phơi sấy. Người sử dụng có cài đặt các thông số (nhiệt độ, độ ẩm phơi sấy; tốc độ giàn quay; tốc độ quạt thổi và hút khí; tổng thời gian phơi sấy và khử vi sinh,…) trên màn hình điện tử. Đặc biệt có thể thực hiện việc giám sát, tự động điều khiển hệ thống từ xa bằng giải pháp công nghệ IoT.
Cuối quy trình phơi sấy, kết hợp hiệu ứng nhà kính ở thời điểm nắng tốt (từ 14h chiều) và lò đốt nhiệt bằng điện trở, nhiệt độ trong buồng phơi sấy sẽ tăng lên 70oC và hệ thống phun sương đưa độ ẩm lên trên 70% để khử các dòng vi sinh phổ biến như E-Coli, Coliform và Salmonella. Quá trình khử vi sinh này kéo dài trong 30 phút.
Đặc biệt, nghiên cứu này đã tôn trọng kinh nghiệm phơi sấy của người nông dân bằng cách cho phép đưa các thông số phơi sấy (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió…) vào thiết bị như những thông số tham chiếu để thử nghiệm phơi sấy cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Kết quả thử nghiệm thiết bị tại HTX Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho thấy, sản lượng cá khô tăng ít nhất 3 lần so với việc phơi nắng, chỉ cần một nhân công vận hành, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng rất nhiều so với sử dụng lò sấy và các chỉ tiêu vi sinh cũng như dinh dưỡng được chứng nhận đạt bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE).
Cụ thể, với xấp xỉ 160kg cá khô thành phẩm, tương đương 320kg cá tươi sau khi sơ chế, năng suất đã tăng đến 160% so với yêu cầu thiết kế ban đầu của cơ sở (100kg cá khô) và tăng 320% so với phơi nắng thông thường (50kg cá khô). Chi phí điện năng tiêu thụ cho một mẻ như vậy chỉ tốn 30kWh, tính ra chưa tới 100.000 đồng, tiết kiệm rất nhiều so với sử dụng lò sấy vỉ ngang với cùng năng suất và thời gian sấy (tiêu thụ xấp xỉ 180kWh).