Hệ thống thủy lực được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các ngành công nghiệp như ngành chế tạo máy, cơ giới, hàng không, tàu thủy và các ứng dụng khác trong công nghiệp lắp ráp. Hàng năm, ở Việt Nam dù nhu cầu sử dụng các thiết bị thủy lực là rất lớn nhưng các thiết bị thủy lực đều phải nhập khẩu từ các hãng trên thế giới.
Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực trên thế giới
Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực trên thế giới
Hình 1. Các hướng nghiên cứu có nhiều đăng ký sáng chế nhất trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực (Nguồn: Derwent Innovation)
Từ những dữ liệu tra cứu được trên cơ sở dữ liệu Derwent Innovation, dựa theo sự tổng hợp của các mã IPC như hình 1, 3 lĩnh vực chính về công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực bao gồm: F16K (Van; vòi; khóa vòi; các phao dẫn động; các thiết bị thông khí hoặc thông gió); F15B (Các hệ thống thủy lực-khí nén có công dụng chung; các cơ cấu thừa hành dạng thủy lực và khí nén, ví dụ các cơ cấu trợ động; các thành phần kết cấu và các phụ tùng của các hệ thống thủy lực-khí nén không thuộc các đề mục khác); G05D (Hệ thống điều khiển hoặc điều chỉnh các biến thiên không thuộc về điện).
Số lượng đơn đăng ký sáng chế theo các hướng nghiên cứu chính trên chiếm 70% tổng số công nghệ trong lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực.
Hình 2. Phân tích lĩnh vực công nghệ (Nguồn: Derwent Innovation)
Biểu đồ hình 2 này dựa trên mã phân loại sáng chế quốc tế (IPC) có trong tập hợp sáng chế đang được phân tích. Theo đó, các sáng chế trong lĩnh vực gia công van điều khiển thuỷ lực chủ yếu vẫn tập trung vào các lĩnh vực các yếu tố cơ học; xây dựng dân dụng; vận chuyển; công cụ cơ khí và động cơ, bơm, tuabin.
Hiện nay, 1% trong số các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực đang tìm kiếm sự bảo hộ ở cả 4 thị trường lớn nhất thế giới hiện nay (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc), điều này cho thấy sự đầu tư có cam kết vào lĩnh vực công nghệ này và một thị trường rộng lớn hơn cho những sáng chế này. Nhìn chung, 5% các công ty đang nộp đơn tại hơn 4 quốc gia. Một chiến lược nộp đơn toàn cầu cho thấy tiềm năng thị trường ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghệ này. Hình 3 nơi xuất phát công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực đứng đầu là Nhật Bản, tiếp theo lần lượt là Mỹ và Trung Quốc. Còn xét về nơi công bố sáng chế, tức là xét về thị trường tiềm năng nhất cho các quốc gia khác nộp đơn đăng ký sáng chế về công nghệ gia công van điều khiển thủy lực thì đứng đầu lại là Trung Quốc, còn Nhật Bản và Mỹ lần lượt xếp thứ 2 và 3.
Hình 3. Nơi công bố sáng chế về công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực (Nguồn: Derwent Innovation)
Xét về nơi nộp đơn đầu tiên, Nhật Bản là quốc gia có số lượng đơn sáng chế nộp đầu tiên nhiều nhất, cụ thể là 438 họ sáng chế, chiếm tỷ lệ 31,19%. Điều đó cho thấy Nhật Bản là nước đi đầu trong công nghệ gia công van điều khiển thủy lực trên thế giới. Tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc cũng là những nước chiếm ưu thế trong lĩnh vực này.
Hình 4. Nơi xuất phát công nghệ chế tạo van điều khiển thủy lực (Nguồn: Derwent Innovation)
Về xu hướng nộp đơn, tình hình đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ gia công van điều khiển thủy lực từ năm 1994 – 2019 có xu hướng tăng với hai khoảng thời gian biến động lớn, trong đó:
- Lần biến động lớn đầu tiên là trong các năm từ 2004 đến 2010: số lượng bản ghi mới hàng năm có sự chênh lệch lớn, năm 2009 thấp nhất chỉ có 17 bản ghi mới, năm 2008 cao nhất có 31 bản ghi mới.
- Lần biến động lớn thứ 2 là trong các năm từ 2013 đến 2019: đạt đỉnh điểm vào năm 2014 với 55 bản ghi và từ năm 2017 trở đi đang ghi nhận xu hướng giảm dần, năm 2019 cũng là năm ghi nhận số lượng bản ghi thấp nhất, chỉ có 35 bản ghi.
Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu phát triển công nghệ gia công van phân phối thủy lực ở Việt Nam là rất có tiềm năng. Học hỏi kinh nghiệm và phân tích xu hướng công nghệ từ các quốc gia đi trước sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho Việt Nam trong việc bắt kịp xu hướng phát triển ở lĩnh vực công nghệ này.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.