(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nữ trí thức với phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 11/5/2018, Chi hội nữ trí thức Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban vì sự Tiến bộ phụ nữ của Bộ KH&CN và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nữ trí thức với sự phát triển kinh tế
- xã hội”.

nutrithuc c0326Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chi hội trưởng Chi hội nữ trí thức Bộ KH&CN phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Trương Ánh

Tham dự và chủ trì hội thảo có Bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội nữ trí thức Bộ KH&CN; Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Chi hội trưởng Chi hội nữ trí thức Bộ KH&CN; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà – Nguyên trưởng phòng công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; GS.TS Vũ Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công thương); Ths. Đinh Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giáo dục hạnh phúc cộng đồng cùng các Hội viên Nữ trí thức Bộ KH&CN.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Hội Nữ trí thức của Bộ, với nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong dịp chuẩn bị chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5. GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã khẳng định “Chi hội nữ trí thức của Bộ rất giàu tiềm năng, các hội viên là những người phụ nữ rất kiên trì, đam mê khoa học, có hậu phương vững chắc và rất mạnh mẽ”. Theo bà, các nữ trí thức không chỉ cần được lắng nghe, thấu hiểu mà còn mong muốn có nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp mà họ theo đuổi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà
- Nhà khoa học nữ có nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, nổi bật như làm sạch dầu ô nhiễm, xử lý thuốc nhuộm, biến đất ô nhiễm dioxin thành đất canh tác nông nghiệp, bà là tác giả và đồng tác giả của 16 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích; PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng đã chia sẽ những kinh nghiệm về quá trình nghiên cứu khoa học bền bỉ, cháy bỏng đam mê qua phần thuyết trình “Người Việt ta không hề kém cỏi”. Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học, bà đã được vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe GS.TS Vũ Thị Thu Hà – Nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaia năm 2011 khi mới 41 tuổi, chia sẻ về thành công đến từ đam mê nghiên cứu khoa học. GS.TS Vũ Thị Thu Hà đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và tập đoàn. Chị có 72 bài báo được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, 140 công trình khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành có uy tín, 3 cuốn sách về chuyên môn tại các Nhà xuất bản uy tín trong nước và là tác giả của 2 Bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ của Mỹ và cơ quan Sở hữu trí tuệ của Châu Âu; 9 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. GS-TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ: “Đam mê là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công. Nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian và tìm được khoảng cân bằng giữa gia đình và công việc thì con đường từ niềm say mê đến thành công có thể là hiện thực. Thành công có được như hôm nay, tôi cũng như nhiều nhà nữ khoa học khác may mắn có gia đình làm hậu phương vững chắc”.
Đặc biệt, tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe Ths Đinh Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giáo dục hạnh phúc cộng đồng chia sẻ về chủ đề “Làm thế nào giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con giỏi và vẫn đạt thành công trong sự nghiệp”. Đây là những kiến thức rất bổ ích để các chị em được tiếp cận một cách khoa học những kiến thức về người phụ nữ hiện đại và làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc, tổ ấm của mình mà vẫn phải phát huy năng lực sáng tạo để đạt được những thành tựu trong công việc.

Nguồn: Niptex


Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663