Chào mừng 70 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9, đầu tháng 9/2015 tới đây tại Hà Nội, Bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ tổ chức sự kiện lãnh đạo Chính phủ gặp gỡ 68 nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này. Báo KHPT xin giới thiệu một số nhà khoa học trẻ đang công tác ở các viện, trường đại học tại TP.HCM được chọn tham dự buổi gặp gỡ ý nghĩa này.
TS Phạm Văn Phúc và TS. Nguyễn Bá Hải
TS. Phạm Văn Phúc (SN 1982):phó trưởng phòng, Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM; phó chủ tịch Hội tế bào gốc TP.HCM.
TS Phúc là chủ nhiệm 1 đề tài độc lập cấp nhà nước, chủ nhiệm 1 đề tài Nafosted, chủ nhiệm 1 đề tài Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Đại học quốc gia TP.HCM và tham gia nhiều đề tài khác. Anh còn là tác giả 2 sách chuyên khảo tiếng Anh, là đồng tác giả của 10 sách tham khảo tiếng Anh khác; biên tập series sách tiếng Anh của nhà xuất bản Springer (Stem Cells in Clinical Applications). Ngoài ra, TS. Phúc còn được biết đến là tổng biên tập của 2 tạp chí quốc tế (Biomedical Research and Therapy và Progess in STEM CELL), tham gia hội đồng biên tập của 4 tạp chí tiếng Anh khác và còn là đồng tác giả của 3 sách tiếng Việt chuyên ngành
Anh đã công bố thành công hơn 40 công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế và hàng chục công trình trên tạp chí trong nước; chế tạo thành công 2 bộ kit trang thiết bị y tế phục vụ cho công nghệ tế bào gốc, đã được Bộ y tế cho phép lưu hành và đã đăng ký 5 bằng sáng chế khác.
TS. Nguyễn Bá Hải (SN 1983):phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao
- Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM; trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học.
Nhiều người biết đến TS. Bá Hải với vai trò là người sáng chế thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị có tên là “Mắt thần”. Anh cùng các cộng sự đã sáng chế và sản xuất, trao tặng gần 1.000 “Mắt thần” tại Việt nam và một số nước (Mỹ, Đức, Phần Lan). Thiết bị gồm 2 phần chính là mắt kính và hộp điều khiển. Trên mắt kính có tích hợp một cảm biến nằm ngay chính giữa kính có thể nhận biết và phát hiện vật cản sau đó báo về hộp điều khiển. Hộp điều khiển tiếp nhận và xử lý, sau đó sẽ báo cho người khiếm thị bằng cách kích hoạt thiết bị rung tích hợp trên gọng phải của mắt kính. Sản phẩm đã đoạt giải nhân văn trong cuộc thi Robocon Techshow 2012, giải nhất “Nhà sáng chế Việt Nam” tuần 5 của Đài truyền hình Việt Nam. Đeo kính vào, người khiếm thị sẽ cảm nhận và tránh được các vật cản giúp họ di chuyển dễ dàng và tự tin hơn. Khoảng cách cảm biến có thể điều chỉnh xa hoặc gần nhưng mức độ tiêu chuẩn là trong khoảng từ 0,2 m đến 1,5 m. “Mắt thần” hoạt động bình thường ngay cả trong môi trường không có ánh sáng (ban đêm).
Thành tích nổi bật tiếp theo của TS. Bá Hải là đã nghiên cứu sản xuất thành công máy pha cà phê công nghệ kết hợp Nhật
- Việt
- Ý và hình thành chuỗi cà phê JAVI tạo việc làm cho người thu nhập thấp tại TP.HCM (đang đăng ký sáng chế).
Ở tuổi 28, anh đã có trong tay 5 sáng chế quốc tế và 1 sáng chế tại Việt Nam cùng nhiều công trình nghiên cứu công bố quốc tế. Anh còn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012; đã hướng dẫn thành công gần 20 thạc sĩ và nhận nhiều học bổng của chính phủ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Phần Lan.
TS. Trương Vũ Thanh (SN 1984):khoa kỹ thuật hóa học, trường ĐH bách khoa, Đại học quốc gia TP.HCM.
Anh đã có 22 bài báo trên tạp chí quốc tế, 3 bài báo tại các hội thảo khoa học quốc tế; giải thưởng “John Lemonte Scholarship” dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc trong nghiên cứu, do Trường đại học Houston, Hoa Kỳ trao tặng; Giải thưởng “Jay Kochi Scholarship for best graduate student” dành cho nghiên cứu sinh tốt nhất của khoa do Trường đại học Houston, Hoa Kỳ trao tặng; Giải thưởng “Công bố khoa học xuất sắc năm học 2013
- 2014” do Đại học quốc gia TP.HCM trao tặng
TS. Trần Hà Liên Phương (SN 1981):bộ môn kỹ thuật y sinh, Trường ĐH quốc tế, Đại học quốc gia TP.HCM.
Thành tích, kết quả hoạt động KH&CN: 1 sách xuất bản quốc tế, 26 bài báo tạp chí quốc tế cùng 39 bài báo tại các hội thảo khoa học quốc tế.
TS. Liên Phương đã đoạt giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” do Quỹ LOréal
- UNESCO (Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học) trao tặng năm 2014; Giải thưởng “Công bố khoa học xuất sắc năm học 2012
- 2013” do Đại học quốc gia TP.HCM trao tặng.
- Bộ KH&CN (đơn vị chủ trì sự kiện) đã chọn ra được 68 nhà khoa học trẻ trên tổng số gần 300 nhà khoa học có thành tích nổi trội, có tuổi đời không quá 35, dựa trên các tiêu chí như: có giải thưởng về KH&CN; có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ; trên 10 bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế; sách chuyên khảo; có công trình được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao… thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tự nhiên, xã hội và nhân văn, nông nghiệp và y dược.
Mục đích của buổi gặp mặt nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của thế hệ các tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ với sự phát triển của đất nước nói chung và nền KH&CN nói riêng. Trên cơ sở đó, khuyến khích, động viên đội ngũ nhà khoa học trẻ tiếp tục duy trì đam mê, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đưa KH&CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Buổi gặp mặt cũng thể hiện sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào thế hệ trẻ, là dịp để lãnh đạo lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ, để từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời, tạo điều kiện để các nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài, các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước có cơ hội tiếp xúc, trình bày những đam mê, tâm tư và nguyện vọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ cập nhật thông tin, nắm bắt được tình hình cũng như nhu cầu về KH&CN của đất nước để họ gắn kết việc học tập, nghiên cứu với nhu cầu của đất nước; dịp để cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN và các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoặc đề ra chương trình hợp tác nghiên cứu, tăng thêm cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, môi trường nghiên cứu tốt trong nước.
Nguồn: Báo Khoa học phổ thông