Ngày 19/1/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan ký kết Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2006
- 2010. Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 168 tại Tp. HCM cho thấy, Chương trình 168 đã được thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc thực thi quyền SHTT.
Công tác tuyên truyền, phổ cập hướng dẫn liên quan đến SHTT đã được các Bộ triển khai rộng rãi, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, góp phần nâng cao nhận thức chung đối với các nhà quản lý, công chúng về lĩnh vực này. Bộ KH&CN đã tổ chức 83 buổi tập huấn, Hội thảo với trên 13.576 lượt người tham dự với các nội dung liên quan đến SHTT. Đồng thời thực hiện các chương trình tuyên truyền về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
Khi Chương trình 168 ban hành, hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm quyền SHTT tiếp tục có được những chuyển biến tích cực. Tại biên giới, công tác kiểm soát các cửa khẩu được lực lượng Hải quan triển khai cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác. Trong nội địa, việc thanh tra, kiểm tra từ khâu sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng được triển khai kịp thời. Từ năm 2006
- 2008, đã xử lý trên 19.167 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng, tịch thu, xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác.
Công tác xây dựng các văn bản pháp luật về quyền SHCN, quyền tác giả, quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng được đẩy mạnh với nội dung phù hợp với cam kết quốc tế. Công tác đào tạo, tập huấn và hợp tác quốc tế cũng tiếp tục được tăng cường. Thanh tra Bộ KH&CN đã tổ chức tập huấn hàng năm cho lực lượng thanh tra KH&CN về xác định và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN với trên 500 lượt cán bộ tham gia. Hoạt động hỗ trợ việc xác lập quyền SHTT cũng được các địa phương tích cực triển khai, nhất là các hướng dẫn trong việc xác lập các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cà phê Buôn Ma Thuột
- Đắc Lắc, Bưởi Phúc Trạch
- Hà Tĩnh, bưởi Tân Triều
- Đồng Nai...
Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình 168 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, góp phần đáng kể vào việc phòng chống xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, việc thực hiện Chương trình 168 giữa các Bộ tham gia ký kết và các địa phương còn có những tồn tại nhất định. Một số Bộ, địa phương chưa thật sự quan tâm triển khai đến nội dung Chương trình, công tác trao đổi thông tin giữa các Bộ, địa phương còn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý chung. Công tác thanh tra, kiểm tra xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là với những vụ xâm phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn như nhân lực cho lĩnh vực SHTT còn thiếu và yếu, các văn bản pháp luật còn chồng chéo nên khi áp dụng bị vướng mắc, việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã đánh giá Chương trình 168 được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Sau 3 năm thực hiện đã có tác dụng trong việc phát triển KT
- XH lành mạnh, xử lý được một số vụ việc, định hướng được cho xã hội, doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh phải quan tâm đến SHTT. Ông Nguyễn Quân cho rằng, việc xác lập quyền SHTT đã thực hiện tốt, nhưng việc thực thi quyền SHTT còn nhiều vấn đề phải làm, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc đào tạo, nâng cao nhận thức không chỉ cho cán bộ chuyên trách về SHTT mà còn cho cả cộng đồng.
Nguồn trích: Báo Khoa học và Phát triển