(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Làm sống lại hoa của 30 nghìn năm trước

Trong thời kỳ Băng hà, phía Bắc trái đất bị che phủ bởi những đồng cỏ lạnh giá, khô cằn, nơi sinh sống của voi ma mút, tê giác lông mịn, và bò rừng sừng dài. Hệ thống sinh thái này, được các nhà cổ sinh vật học gọi tên là thảo nguyên ma mút, đã biến mất từ 13 nghìn năm trước.

 

Nhưng một loài thực vật của kỷ nguyên này được người ta báo cáo là đã hồi sinh nhờ công một nhóm các nhà khoa học, những người may mắn được tiếp cận một “kho báu” những cây cỏ và hạt, được chôn vùi bởi những con sóc đất từ 30 nghìn năm trước, và bảo quản trong tầng đất vùng cực bị đóng băng vĩnh cửu (S. Yashina et al. Proc. Natl Acad. Sci. USA http://dx.doi.org/10.1073/ pnas.1118386109; 2012). Đây có thể coi là thực vật có tuổi thọ xưa nhất được con người hồi sinh; kỷ lục cũ thuộc về một cây chà là được trồng từ những hạt giống của 2000 năm trước.

Người ta tìm thấy 70 hang sóc bên bờ hạ lưu sông Kolyma, phía bắc Siberia, ở khoảng 20-40 m bên dưới bề mặt lãnh nguyên (tundra), vây bọc bởi xương ma mút cùng các sinh vật khác. Một số hang chứa hàng trăm nghìn cây cỏ và hạt, được bảo tồn một cách hoàn hảo trong môi trường khô, lạnh. 

Các nhà nghiên cứu trước đây từng cố gắng ươm trồng cây từ những hạt tìm thấy trong các hang cổ này, từ những cây cói túi, cây chút chít Bắc cực (Arctic dock), cây thường xanh dây leo vùng cao (alpine bearberry), cây Silene stenophylla. Những cây này đã nảy mầm, nhưng sau đó sớm lụi tàn. 

Không nản chí, nhà khoa học David Gilichinsky từ Viện Các vấn đề Hóa lý và Sinh học trong đất, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, quyết định thử một hướng tiếp cận mới (đáng tiếc là Gilichinsky vừa qua đời trong tháng 2 vừa rồi). Ông và các cộng sự lấy các mẫu sợi noãn từ cây S. stenophylla. Noãn của thực vật – một ví dụ dễ hiểu là phần ruột trắng bên trong những quả ớt tây – có chức năng sinh ra và lưu giữ hạt. Những sợi noãn sẽ tạo thành mầm khi được trồng trong ống nghiệm, và các nhà khoa học dùng cách này để nhân giống được nhiều cây. Chúng chính là những tổ chức sinh học đa bào cổ nhất của Trái đất, nhóm nghiên cứu cho biết. 

 Những cây này sau đó đã cho ra hạt có khả năng sinh sản, từ đó người ta đã trồng được lứa cây sinh sản thứ hai. Trong quá trình nhân giống, giống cây cổ cho ra nhiều nụ hoa hơn so với giống cây S. stenophylla hiện đại mọc bên bờ sông Kolyma, nhưng lại ra rễ chậm hơn. Điều này cho thấy giống cây cổ có đặc thù riêng, phù hợp để thích nghi với vôi trường khắc nghiệt trong thời kỳ Băng hà.

“Thật vui khi ai đó cuối cùng đã thành công trong thử nghiệm này”, phát biểu từ nhà khoa học Grant Zazula thuộc Chương trình Cổ sinh vật Yukon ở Whitehorse, Canada, người đã từng kiểm định những thử nghiệm nảy mầm hạt cổ trước đây. “Chúng ta có một cơ hội tốt trong việc làm sống lại những loài cây đã tuyệt chủng từ những hạt mầm đóng băng”.
Tuy tới nay một vài loài cây của hệ sinh thái thảo nguyên ma mút vẫn còn tồn tại, nhưng không nơi đâu trên Trái đất còn giữ được đầy đủ các thành phần cỏ dại, cây cói túi, và hoa dại như được tìm thấy trong dạ dày của những con voi ma mút bị vùi lấp, hay trong những hang sóc đóng băng. Zazula phỏng đoán rằng sau này những mẩu thực vật từ những thời kỳ sớm hơn rất nhiều
- hàng trăm nghìn năm trước– vẫn có thể được làm hồi sinh, làm lộ ra những biến đổi mang tính cách mạng qua một giai đoạn dài, và giúp các nhà khoa học tìm hiểu những hệ sinh thái ngày nay đã không còn, ví dụ như thời kỳ Băng hà. 

Dịch theo bài của Sharon Levy, Nature News

http://www.nature.com/news/wild-flower-blooms-again-after-30-000-years-on-ice-1.10069

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=4950


Năm 2015 liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663