Tháng 8 và tám tháng qua, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển tích cực, bất chấp những tác động khá mạnh về tài chính – tiền tệ trên thế giới. Đồng thời, một số giải pháp và yêu cầu mới trong chỉ đạo của Chính phủ cũng được triển khai quyết liệt, nhằm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và cải thiện ở nhiều chỉ số
Tình hình kinh tế tháng 8-2015 được ghi nhận với sự gia tăng khá tích cực của sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 9%; diện tích nuôi tôm sú (quản canh và quảng canh cải tiến với giá thành thấp và ít dịch bệnh đang có lợi thế cạnh tranh) ước đạt 576 nghìn ha, tăng 3,1%; sản lượng đạt 30,1 nghìn tấn, tăng 9%. Sản lượng thủy sản khai thác tăng 4,5%, trong đó khai thác biển tăng 4,9%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-8-2015 tăng 10,1% so với cùng thời điểm năm trước, tức liên tục được cải thiện và thấp chỉ bằng một nửa so với chỉ số cùng kỳ năm 2014 so với 2013 và chỉ bằng ¼ chỉ số này năm 2013 so với 2012.
Sự cải thiện sức mua thị trường được thể hiện qua hai chỉ số quan trọng là Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7-2015 đạt mức tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng. Và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%. Như vậy, cả hai chỉ số này đều có mức tăng hai con số cho thấy thị trường sức mua hàng hóa và sản phẩm của cả người dân và doanh nghiệp (DN) đều tăng trưởng khá tốt trong năm 2015.
Đầu tư xã hội tiếp tục tăng cả trong khu vực ngân sách nhà nước (NSNN) và ngoài NSNN. Vốn đầu tư thực hiện tổng 8 tháng đạt 132,5 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2015 giảm 0,07% so với tháng trước và là tháng tám duy nhất trong 10 năm gần đây ghi nhận hiện tượng giảm. Lạm phát cơ bản tháng 8-2015 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm 2015, chỉ số CPI chỉ tăng 2,19% và lạm phát cơ bản tăng 2,04% so cùng kỳ. Lạm phát cơ bản thấp nhờ giá yếu tố và chi phí đầu vào của DN giảm, nguồn cung hàng hóa cả trong và ngoài nước đều dồi dào và rẻ, không có nhiều đột biến về nhu cầu tiêu dùng và sự kiểm soát tốt nợ công và chính sách tiền tệ.
Khu vực doanh nghiệp khởi sắc rõ rệt
Khu vực DN có sự khởi sắc rõ rệt, với 9.301 DN thành lập mới trong tháng 8, so với tháng trước tăng 41% về số DN, tăng 41,9% về vốn đăng ký. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 61.305 DN thành lập mới, tăng 29,2% về số DN, tăng 29,9% về vốn đăng ký và tăng 23,3% về thu hút lao động mới; 15.243 lượt DN tăng vốn 481,5 nghìn tỷ đồng. 11.333 DN quay lại hoạt động, tăng 3,7%. Tuy nhiên, số DN ngừng hoạt động trong 8 tháng là 39.056 DN, tăng 2,4%. Thực tế ba năm qua cho thấy, số các DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động ngày càng tăng nhanh so với số dừng hoạt động, đội ngũ DN trong nước đang hồi phục cả về số lượng và quy mô.
Đồng thời, ở các tỉnh đều có sự cải thiện tình hình việc làm trong các DN, nhất là các tỉnh năng động và còn nhiều tiềm năng mở rộng cơ sở DN công nghiệp, như Thái Nguyên (đầu tháng 8 tăng 43,3% so cùng kỳ năm trước); Vĩnh Phúc tăng 18%; Bà Rịa
- Vũng Tàu tăng 15,1%....
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tám tháng qua có sự gia tăng vượt trội cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện so với đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến 20-8, có 1.219 dự án mới, tổng vốn đăng ký đạt 7.878,9 triệu USD, tăng 22,9% về số dự án và tăng 8,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, 389 lượt dự án tăng vốn thêm 5.459,7 triệu USD. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 13.338,6 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tám tháng năm nay ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với chiếm 77,7% tổng vốn đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 13,7%. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.648,8 triệu USD, chiếm 20,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Vương quốc Anh 1.248 triệu USD, chiếm 15,8%.
Thị trường tiền tệ biến động mạnh nhưng ổn định nhanh
Ngày 12-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Ngày 19-8, NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ 21.673 đồng lên 21.890 đồng; Đồng thời, tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Sự điều chỉnh tỷ giá là phù hợp xu hướng đồng USD giá mạnh, và so với USD đồng tiền Nhật giảm giá 30%, Euro giảm giá 20% và Nhân dân tệ giảm 4,6%. Một loạt đồng tiền khác của Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines, Nga… cũng có sự giảm giá tương tự, trong khi Việt Nam neo giá cố định vào USD… Vì vậy, sự điều chỉnh này giúp sức cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giảm bớt dòng nhập siêu các hàng giá rẻ từ Trung Quốc và củng cố niềm tin của giới đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy nhiên, điều chỉnh tỷ giá VND sẽ làm tăng dịch vụ nợ bằng USD, tăng giá hàng nhập khẩu và áp lực lạm phát, giảm thu nhập thực tế của người dân.
Chỉ số giá vàng tháng 8-2015 giảm 3,92% so với tháng trước; giảm 4,95% so với tháng 12/2014 và giảm 10,56% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 8-2015 tăng 0,31% so với tháng trước; tăng 2,33% so với tháng 12-2014 và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2014. NHNN đã can thiệp bán USD ra thị trường từ ngày 25-8 (ước khoảng 2-3 trăm triệu USD/ngày) cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm trên 5% vốn tự có, yêu cầu các NH thương mại bán USD cho khách hàng và cam kết đến cuối năm không tăng tỷ giá… Nhờ vậy, thị trường tài chính vẫn giữ được ổn định và không có hiện tượng rút tiền khỏi các ngân hàng.
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô chiều 25-8 khẳng định: Những biến động của kinh tế thế giới gần đây có tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng nhìn chung chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô, hay buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu. Những phản ứng chính sách và những giải pháp bước đầu đưa ra vừa qua là kịp thời, phù hợp, giúp sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, kiểm soát bội chi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra.
Thực tế cũng đòi hỏi, Chính phủ và các ngành, địa phương cần chủ động theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá, nhận định và thông tin đầy đủ chính xác, tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất, kịp thời đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi, lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất và không thay đổi các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, lạm phát, xuất nhập khẩu; bảo đảm giữ ổn định tỷ giá, lãi suất, cân đối thu chi ngân sách và triệt để tiết kiệm chi; phát triển và quản lý thị trường chứng khoán hiệu quả; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong đó có sản xuất, kinh doanh dầu khí; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có phương án, có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; bảo đảm thông tin một cách tương đối đầy đủ về các hiệp định đã được ký kết tới người dân, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự phối hợp qua hệ thống ngành dọc trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế. Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động thông tin về tình hình, dự báo, các giải pháp để người dân, DN biết, chủ động và tăng đồng thuận chính sách, không gây tâm lý hoang mang không cần thiết.