Chương trình quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST dự kiến sẽ mang đến các hỗ trợ về chính sách, vốn, đào tạo khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ khởi nghiệp, phổ biến và kết nối thông tin, hội nhập quốc tế, trong số yếu tố vốn mồi (seed funding) ở giai đoạn ươm mầm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt được nhấn mạnh.
Sáng 25/8, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo Hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thảo luận về các nội dung của Đề án "Chương trình quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST". Tham dự có các thành viên Ban soạn thảo đề án, chuyên gia khởi nghiệp quốc tế cùng đại diện nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Trình bày những nội dung chính của đề án, bà Phan Hoàng Lan (Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN) đã giới thiệu sáu yếu tố cơ bản trong khung chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: chính sách, vốn, đào tạo khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ khởi nghiệp, phổ biến và kết nối thông tin, hội nhập quốc tế. Trong số sáu yếu tố này, ba yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là vốn, đào tạo khởi nghiệp và hội nhập quốc tế.
Theo bà Phan Hoàng Lan, vốn mồi (seed funding) là khâu vướng mắc nhất với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong giai đoạn ươm mầm. Nếu ở nước ngoài, các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội gọi vốn từ nhiều hình thức khác nhau, ngay từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng như huy động vốn đám đông (crowd funding), hỗ trợ vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… Còn tại Việt Nam, các khái niệm gọi vốn như vậy vẫn còn chưa phổ biến bởi các nguyên nhân cơ bản: 1. Thị trường công nghệ mới ở giai đoạn bắt đầu, 2. Dù rất mạnh về đầu tư bất động sản nhưng kiến thức về lĩnh vực khởi nghiệp của các nhà đầu tư còn thiếu hụt và các quỹ tư nhân chỉ quan tâm đến một số lĩnh vực thu hồi vốn nhanh… Vì vậy dù có nhiều tiềm năng nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn lúng túng trong khâu tìm vốn. Để giải quyết vấn đề này, đề án nêu lên một số giải pháp như: 1. Nhà nước kết hợp với các đơn vị đầu tư tư nhân để tìm vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp, 2. Khuyến khích tư nhân thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm; 3. Khuyến khích việc thành lập quỹ huy động vốn đám đông.
Về đào tạo khởi nghiệp, Việt Nam hiện đã hình thành một số cơ sở ươm tạo tại trường ĐH, khu CNC như Vườn ươm ĐK Bách khoa Hà Nội, TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, vườn ươm Khu CNC TP.HCM, chương trình thúc đẩy kinh doanh tại Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TPHCM cùng với một số cơ sở khác như Vườn ươm Quang Trung, FPT, Topica Fouder Institute, Hub. IT, IDG Venture… Khó khăn mà đào tạo khởi nghiệp gặp phải là thiếu hụt chương trình ươm tạo đạt chất lượng cao, thiếu đào tạo cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Đề án cũng đề xuất một số giải pháp: 1. Đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp thành chương trình bắt buộc tại các trường ĐH, 2. Thí nghiệm đào tạo khởi nghiệp tại các trường phổ thông, 3. Nhà nước đối ứng vốn với các chương trình đào tạo đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp.
Hợp tác quốc tế, yếu tố không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp, được đề án đề cập đến như một giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn đầu tư, gia tăng kinh nghiệm, mở ra thị trường xuất khẩu mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần có được sự kết nối thông tin thông suốt giữa các nhà khởi nghiệp Việt Nam với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, hỗ trợ họ tham gia các chương trình ươm tạo quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam làm việc và tổ chức các sự kiện thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Được khởi động từ tháng 10/2013, Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Silicon Valley tại Việt Nam của Bộ KH&CN nhằm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2013 Trước những thành công này, Bộ KH&CN đã quyết định nâng cấp Vietnam Silicon Valley thành đề án cấp Quốc gia trình Chính phủ mang tên “Chương trình quốc gia hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”. Trong giai đoạn xây dựng đề án, Bộ KH&CN tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp để bổ sung, chỉnh sửa các vấn đề được nêu lên trong đề án, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, ưu đãi về huy động vốn, thuế…, những vướng mắc chính của các doanh nghiệp khởi nghiệp. |
Nguồn: Tạp chí Tia sáng