(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Những điều cần biết khi thực hiện chuyển giao công nghệ

I. VỀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
1.1. Chuyển giao công nghệ là gì?
Căn cứ khoản 7, 8, 9, 10 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về chuyển giao công nghệ như sau:
- Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
- Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.
1.2. Hình thức chuyển giao công nghệ
Căn cứ Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về hình thức chuyển giao công nghệ như sau:
- Chuyển giao công nghệ độc lập.
- Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:
+ Dự án đầu tư;
+ Góp vốn bằng công nghệ;
+ Nhượng quyền thương mại;
+ Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
+ Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
- Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Việc chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 phải được lập thành hợp đồng;
Việc chuyển giao công nghệ tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
1.3. Phương thức chuyển giao công nghệ
Phương thức chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 6 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 như sau:
- Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
- Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
- Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
- Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 kèm theo các phương thức quy định tại Điều này.
- Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
1.4. Quyền chuyển giao công nghệ
Tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về quyền chuyển giao công nghệ như sau:
- Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.
- Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:
+ Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
+ Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
1.5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ
Tại Điều 12 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ như sau:
- Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc;
Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
- Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.
- Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.
- Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.
- Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.
- Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.

II. VỀ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
2.1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ cần có những nội dung nào?
Hợp đồng chuyển giao công nghệ cần có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên công nghệ được chuyển giao.
- Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
- Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Phương thức chuyển giao công nghệ.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
- Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
- Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
- Phạt vi phạm hợp đồng.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Cơ quan giải quyết tranh chấp.
- Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
2.2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ thời điểm nào?
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp đăng ký chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
- Đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc 2 trường hợp trên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết.
2.3. Các phương thức thanh toán trong giao dịch chuyển giao công nghệ?
Việc thanh toán trong giao dịch chuyển giao công nghệ được thực hiện bằng một hoặc một số phương thức sau đây:
- Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa trong đó bao gồm cả hình thức trả được tính theo từng đơn vị sản phẩm sản xuất ra từ công nghệ chuyển giao;
- Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp. Trường hợp góp vốn bằng công nghệ có sử dụng vốn nhà nước (công nghệ được tạo ra bằng vốn nhà nước hoặc sử dụng vốn nhà nước để mua công nghệ) phải thực hiện thẩm định giá công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Trả theo phần trăm (%) giá bán tịnh: Giá bán tịnh được xác định bằng tổng giá bán sản phẩm, dịch vụ mà trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ được chuyển giao (tính theo hóa đơn bán hàng) trừ đi các khoản sau: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); chi phí mua bán các thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu, mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo;
- Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần: Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại;
- Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế: Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường. Các bên cũng có thể thỏa thuận thanh toán theo phần trăm lợi nhuận sau thuế;
- Kết hợp hai hoặc các phương thức nêu trên hoặc các hình thức thanh toán khác bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
2.4. Trường hợp nào giá công nghệ chuyển giao phải được kiểm toán và thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và giá?
Giá công nghệ chuyển giao phải được kiểm toán và thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và giá trong 3 trường hợp sau đây:
- Giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước;
- Giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con;
- Giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế.

III. CHẤP THUẬN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
3.1. Trường hợp nào cần thực hiện thủ tục chấp thuận chuyển giao công nghệ?
Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao mà không phải là công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
3.2. Cơ quan nào chấp thuận chuyển giao công nghệ?
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thủ tục này.

IV. VỀ GIẤY PHÉP CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
4.1. Trường hợp nào cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ?
Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao được quy định cụ thể tại Phụ lục II Nghị định 76/2018/NĐ-CP.
4.2. Cơ quan nào cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ?
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thủ tục này.
V. VỀ ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
5.1. Trường hợp nào cần thực hiện thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ?
Việc chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
- Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
- Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
- Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
5.2. Cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ?
Cơ quan thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ sẽ tùy thuộc vào hình thức chuyển giao công nghệ. Cụ thể như sau:
- Đối với chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và dự án đầu tư ra nước ngoài;
+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017.
- Đối với chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác theo quy định của pháp luật:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đối với chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký theo khoản 2 Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đối với chuyển giao công nghệ trong nước.
Đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hoặc chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

VI. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Hiện nay, hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp luật sau:
- Luật Chuyển giao công nghệ 2017;
- Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2017;
- Thông tư 02/2018/TT-BKHCN quy định chế độ báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; mẫu văn bản trong hoạt động cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ;
- Nghị định 51/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ;
- Thông tư 20/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663