(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chuyển đổi số - Những vấn đề cần lưu ý

Công nghệ số và lưu lượng dữ liệu quy mô lớn làm thay đổi cơ bản cách thức con người sống và làm việc, tương tác với nhau, tham gia vào nền kinh tế và tiếp xúc với chính phủ. Sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, sự phổ biến của các công nghệ số như điện thoại thông minh cho phép máy tính hiện diện ở khắp mọi nơi và tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ dưới mọi loại hình, đang biến dữ liệu trở thành tài sản chiến lược, quan trọng.
Định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới nhằm đưa lại hiệu suất cao.
Hiện nay, chuyển đổi số được ứng dụng vào nhiều loại hình tổ chức trong đó có 2 loại hình chính là các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. 
Chuyển đổi số cơ quan Nhà nước: là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương, ví dụ như: phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số,... giúp các nhà chức trách dễ dàng quản lý công việc. Đồng thời, giảm thiểu thời gian chờ đợi các thủ tục hành chính cho người dân,...

 
Chính phủ điện tử ra đời đã giảm được nhiều thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân
 
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: là việc tích hợp công nghệ số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, ví dụ như: lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây, sử dụng các ứng dụng như Google Planner vào quản lý các dự án và nhân sự,…
Thực tế chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng các phần mềm số hóa vào vận hành để giảm sức người, tối ưu chi phí mà còn thay đổi tư duy vận hành của người quản lý. Dưới đây là 5 điểm tiêu biểu thể hiện tầm quan trọng của xu hướng chuyển đổi số ngày nay:
- Thay đổi tư duy quản lý, văn hóa tổ chức: Việc ứng dụng công nghệ vào vận hành yêu cầu người quản lý cần thay đổi tư duy. Họ cần chủ động và cho phép thực hiện lưu trữ thông tin kinh doanh lên không gian đám mây của 1 bên thứ 3. Điều này buộc họ cần tin tưởng vào nhân viên và thực hiện trao quyền, nhờ đó, họ không mất nhiều thời gian để trực tiếp theo dõi nhân viên làm việc mà vẫn nắm được tình hình hoạt động của công ty.
Chuyển đổi số sẽ giúp tăng cường liên kết giữa các bộ phận trong tổ chức, các phòng ban có các công việc, mục tiêu liên quan tới nhau và họ có thể dễ dàng nắm bắt được nhờ thông tin trên hệ thống. Điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch trong tổ chức và tối ưu hiệu suất làm việc của tất cả các thành viên trong tổ chức.

- Cung cấp thông tin, dữ liệu nhanh chóng: Khi các tổ chức thực hiện chuyển đổi số, thì các thông tin, dữ liệu đều được đưa lên tài khoản điện toán đám mây. Nhờ đó, nhà quản lý dễ dàng theo dõi và cập nhật thông tin để nhanh chóng đưa ra quyết định chính xác cho tổ chức, doanh nghiệp của mình. Đồng thời, nhân viên có thể dễ dàng truy cập thông tin để làm việc hiệu quả mọi lúc mọi nơi.
- Giảm chi phí vận hành: Khi thực hiện chuyển đổi số, nhiều công việc trong mô hình truyền thống sẽ không còn mà được thay bằng công nghệ do đó sẽ tiết kiệm được một số khoản chi phí trong vận hành.
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Lưu trữ thông tin của khách hàng là 1 điểm quan trọng trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Từ các thông tin như lịch sử giao dịch, các sản phẩm mà khách hàng yêu thích, mua thường xuyên, người bán hàng có thể tư vấn các mặt hàng hoặc dịch vụ phù hợp cho người mua. Hoặc nhờ thông tin trên CRM, các công ty có nhiều chương trình chăm sóc khách hàng như thường gửi các tin nhắn, quà tặng hoặc coupon,... để tạo thiện cảm với khách hàng. 
- Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp: Chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí vận hành giúp doanh nghiệp có các nguồn tiền để đầu tư cho các kế hoạch phát triển. Nhờ các mô hình quản lý bằng các ứng dụng công nghệ giúp người bán tới gần và nâng cao được trải nghiệm khách hàng. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp để đưa ra được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả mọi mặt kinh tế và xã hội. Đây sẽ là nhân tố hứa hẹn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hiệu quả, cải thiện dịch vụ, tăng năng suất, chất lượng lao động. Công nghệ số cũng giúp mọi người tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những lợi ích đó đi kèm với nhiều thách thức mới, khi chuyển đổi số thay đổi bản chất và cấu trúc của các tổ chức, thị trường và cộng đồng, đồng thời tạo ra những lo ngại về việc làm và kỹ năng, quyền riêng tư và bảo mật, cũng như quan niệm về công bằng và bao trùm toàn diện. Việc nhận ra các cơ hội và giải quyết các thách thức không tự nhiên diễn ra mà cần có hành động chính sách để chuyển đổi số hoạt động vì sự tăng trưởng và phúc lợi.
Nguồn: Văn phòng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ./.

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663