(0243) 943 9663 Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cho vay thế chấp bằng tài sản sở hữu trí tuệ - Chính sách thúc đẩy thương mại hóa SHTT của Trung Quốc

     Cho vay thế chấp bằng tài sản sở hữu trí tuệ (IPR pledge financing) là hình thức huy động vốn mà trong đó doanh nghiệp (DN) dùng tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) để thế chấp vay ngân hàng[1]. Các tài sản SHTT có thể dùng để thế chấp gồm: quyền thương hiệu, bằng sáng chế, quyền tác giả, bản quyền phần mềm máy tính... Hình thức vay  thế chấp bằng tài sản SHTT này đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thuỵ Điển… Tại Trung Quốc, năm 2006 Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Bank of Communications) chi nhánh Bắc Kinh đã lần đầu tiên tung ra gói vay thế chấp bằng tài sản SHTT dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong nước, mở ra hướng đi mới trong hoạt động hỗ trợ thương mại hoá tài sản SHTT.
     Trung Quốc là một trong những quốc gia có hoạt động SHTT sôi động trên thế giới với quan điểm chiến lược là hướng tới một chế độ SHTT mạnh mẽ và hiệu quả[2]. Trong vòng 2 thập kỷ qua, quốc gia này đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ về hệ thống bảo hộ lợi ích trong lĩnh vực SHTT, xây dựng và sửa đổi một loạt văn bản pháp lý liên quan tới chủ đề tài sản trí tuệ như: Luật Nhãn hiệu hàng hóa (1993, 2001), Luật Bảo hộ sáng chế (1984, 2000), Luật Bản quyền (1990, 2001), Luật chống cạnh tranh không lành mạnh (1993).
     Cùng với chiến lược xây dựng cơ chế đảm bảo thực thi lợi ích, Trung Quốc từng bước thực hiện phát triển nội lực về tài sản trí tuệ nhằm vươn lên vai trò chủ thể SHTT trong quan hệ SHTT toàn cầu. Hàng loạt chương trình quốc gia về thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai thực hiện như: Chương trình nghiên cứu và phát triển nghệ cao 863 chú trọng vào các lĩnh vực R&D chiến lược của Trung Quốc; Chương trình ngọn đuốc chú trọng phát triển công nghệ cao và nghiên cứu ứng dụng; Chương trình sản phẩm mới quốc gia hỗ trợ cho các nỗ lực R&D đưa đến các sản phẩm công nghệ cao mới, đặc biệt là các sản phẩm dựa trên tài sản trí tuệ mới được chế tạo bằng nội lực trong nước…
     Thành công của các chương trình này đã mang lại vị thế mới cho Trung Quốc về tài sản SHTT và nhanh chóng chiếm lĩnh được những lợi ích từ nguồn tài nguyên đó. Là quốc gia có số lượng đơn đăng ký sáng chế thuộc hàng cao nhất nhì thế giới-theo báo cáo WIPO năm 2018 số đơn sáng chế quốc tế dẫn đầu thế giới là Trung Quốc với 1,54 triệu đơn đăng ký, tỷ lệ thương mại hoá thành công (trung bình năm) của Trung Quốc trong giai đoạn 2016 - 2020 là > 30%. Số lượng các giao dịch liên quan đến bằng SC (bao gồm cả cấp giấy phép chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng), và thế chấp tài chính) trong giai đoạn này đạt 1,386 triệu lượt, gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015[3].
     Trung Quốc đạt được các thành tựu như vậy là nhờ có các chính sách thúc đẩy thương mại hoá bằng sáng chế của chính phủ, điển hình như chính sách cho vay  thế chấp bằng tài sản SHTT. Cho vay thế chấp bằng tài sản SHTT được hiểu là hình thức huy động vốn mà trong đó DN dùng tài sản SHTT để thế chấp vay ngân hàng. Các tài sản SHTT có thể dùng thế chấp gồm: quyền thương hiệu, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...
     Năm 2006, Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Bank of Communications) chi nhánh Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra hình thức vay thế chấp bằng tài sản SHTT dành cho DNVVN trong nước, mở ra hướng đi mới trong hoạt động thúc đẩy thương mại hoá tài sản SHTT ở đối tượng này. Đến năm 2008,
Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) cũng bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ 5-trong-1 thế chấp bằng tài sản SHTT (5 in 1 IPR financing service) cho DNVVN có công nghệ nhưng không đủ kinh phí để phát triển sản phẩm. Dịch vụ 5-trong-1 này bao gồm 5 hoạt động chính: đánh giá, bảo lãnh, cho vay, đầu tư và thương mại.
     Để cung cấp được dịch vụ hỗ trợ cho DNVVN, CNIPA đã thành lập một liên minh gồm các DN định giá tài sản SHTT, DN cho vay thế chấp có vốn đăng ký từ 200 triệu NDT (khoảng 31 triệu USD), các quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ có vốn đăng ký từ 500 triệu NDT (khoảng 77,5 triệu USD), và các nền tảng Internet (Internet platform) về giao dịch SHTT và cổ phiếu. Các phương tiện tài chính được cung cấp trong dịch vụ hỗ trợ 5-trong-1 là vay ngân hàng, vay tín chấp, vay hạn mức nhỏ, vay tín thác (factoring), và vay ngang hàng (P2P).
     Theo thống kê của CNIPA từ 2017 đến 2020, dịch vụ hỗ trợ 5-trong-1 đã được triển khai tại 37 thành phố trọng điểm của Trung Quốc với 407.000 lượt giao dịch bằng SC, tương ứng với 168,09 tỷ NDT (tương đương 26 tỷ USD) cho vay thông qua thế chấp bằng SC[4]. Tính riêng năm 2020, 37 thành phố này đã có 188.000 lượt giao dịch bằng SC, nhiều hơn 7,5% so với tỷ lệ trung bình cả nước, và có 80,89 tỷ NDT (tương đương 12,53 tỷ USD) đã được cho vay thông qua thế chấp bằng SC, cao hơn 13,3% so với tỷ lệ trung bình cả nước[5].
     Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng và ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các nền kinh tế thế giới (bao gồm cả Trung Quốc) hiện nay, nhằm hỗ trợ các DN trong nước hoạt động trở lại và phục hồi sản xuất, CNIPA đã tạo ra một kênh xanh cho việc đăng ký thế chấp các bằng SC và nhãn hiệu, từ đó cung cấp dịch vụ 5-trong-1 nhanh chóng hơn cho hơn 5000 DN. CNIPA đã sửa đổi các quy định về thế chấp nhãn hiệu, đơn giản hóa các thủ tục và hồ sơ đăng ký, và giảm khung thời gian xử lý (từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký) xuống chỉ còn 02 ngày làm việc. Đối với vay thế chấp bằng SC, khung thời gian xử lý cũng giảm từ 07 ngày làm việc xuống còn 03 ngày đối với hồ sơ nộp trực tiếp, và 01 ngày đối với hồ sơ nộp trực tuyến [6].
     Bên cạnh cung cấp dịch vụ hỗ trợ 5-trong-1 cho DNVVN, CNIPA còn tổ chức nhiều sự kiện kết nối DN với các tổ chức tài chính trong nước nhằm quảng bá, phổ biến kênh vay thế chấp bằng tài sản SHTT đến nhiều đối tượng DN khác. Ví dụ: từ tháng 11/2020 – 12/2020 CNIPA đã phối hợp với Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) tổ chức chuỗi hội thảo kết nối tại 53 khu công nghiệp ở Bắc Kinh, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông và Trùng Khánh. Hơn 220 tổ chức tài chính ngân hàng và hơn 1400 DN đã tham dự sự kiện. Thông qua việc giới thiệu chính sách, trao đổi thông tin và tham gia kết nối ngân hàng và DN, các bên tham gia đã ký được các hợp đồng trị giá tổng cộng 710 triệu NDT. Ngân hàng và các tổ chức tài chính như hiệp hội tín dụng hiện cũng là những tổ chức cho vay thế chấp bằng tài sản SHTT lớn nhất tại Trung Quốc, chiếm 67,4% số dự án vay thế chấp trong tổng số 12.093 dự án năm 2020[7].
     Có thể nói, chính sách cho vay thế chấp bằng tài sản SHTT đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DNVVN chuyển đổi tài sản SHTT thành giá trị kinh tế riêng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế chung, và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tài sản SHTT tại Trung Quốc. Chính sách này còn giúp các DNNVV Trung Quốc xác định được giá trị đầu tư cho công nghệ mới mà họ sở hữu, đồng thời thiết lập được hệ thống phân tích đánh giá rủi ro phục vụ công tác hỗ trợ tài chính và thương mại hóa tài sản SHTT cho DNNVV.

Tài liệu tham khảo:
1. The Role Analysis of Government in Intellectual Property Rights Pledge and Financing of Technological Small and Medium-sized Enterprises, International Journal of Business and Social Science, Vol. 5, No. 12; November 2014.
2. KIPA, Guidebook for SMEs’ business cycle, 2017.
3. Kinh nghiệm về xây dựng lợi ích trong quan hệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, 2021.
   http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/1936-gi-i-thi-u-v-kinh-nghi-m-xay-d-ng-l-i-ich-trong-quan-h-s-h-u-tri-tu-c-a-trung-qu-c
4. CNIPA, Patent Commercialization Gains Momentum During Past Five Years, China IP News, 2021.
      https://english.cnipa.gov.cn/art/2021/2/24/art_2509_156880.html
5. CNIPA, Report: Over 30% Current Patents Commercialized in China, China IP News, 2021.
      https://english.cnipa.gov.cn/art/2021/5/19/art_2509_159484.html
6. CNIPA, Patent and Trademark Pledge Financing in China Gains the Largest Increase in the 13th Five-Year Plan Period, 2021.
      https://english.cnipa.gov.cn/art/2021/3/9/art_1340_157495.html
 
Nguồn: Phòng Chính sách và Tư vấn thương mại hoá sáng chế./.

[1] The Role Analysis of Government in Intellectual Property Rights Pledge and Financing of Technological Small and Medium-sized Enterprises, International Journal of Business and Social Science, Vol. 5, No. 12; November 2014.
[2] Kinh nghiệm về xây dựng lợi ích trong quan hệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, 2021. http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/1936-gi-i-thi-u-v-kinh-nghi-m-xay-d-ng-l-i-ich-trong-quan-h-s-h-u-tri-tu-c-a-trung-qu-c
[3] CNIPA, Patent Commercialization Gains Momentum During Past Five Years, China IP News, 2021.
[4] CNIPA, Patent Commercialization Gains Momentum During Past Five Years, China IP News, 2021.
[5] CNIPA, Report: Over 30% Current Patents Commercialized in China, China IP News, 2021.
[6] CNIPA, Patent and Trademark Pledge Financing in China Gains the Largest Increase in the 13th Five-Year Plan Period.
[7] CNIPA, Patent and Trademark Pledge Financing in China Gains the Largest Increase in the 13th Five-Year Plan Period, 2021.
 
 

Tin tức liên quan khác

Đối tác
(0243) 943 9663